BVR&MT – Tại công trường, tình trạng các đường dây điện “lơ lửng” treo trên đầu các tài xế chở đất, người thi công phải làm việc dưới điện lưới, nguy hiểm cho tính mạng và có nguy cơ chậm tiến độ thi công.
Sau 10 tháng khởi công xây dựng đoạn cao tốc Vân Phong – Nha Trang thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa đến nay tiến độ giải phóng mặt bằng đã đạt 93%, 4 khu tái định cư phục vụ dự án đã được bàn giao. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc lớn nhất của dự án là di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đến nay còn chậm. Tại công trường, tình trạng các đường dây điện “lơ lửng” treo trên đầu các tài xế chở đất, người thi công phải làm việc dưới điện lưới, nguy hiểm cho tính mạng và có nguy cơ chậm tiến độ thi công.
Trong những ngày đầu tháng 10 này, phóng viên đã khảo sát các “điểm nghẽn” của dự án do vướng phải hạ tầng kỹ thuật. Đó là điểm đầu dự án kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã, thuộc huyện Vạn Ninh và điểm cuối kết nối điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang – Cam Lâm.
Giữa công trường bề bộn vật liệu đất đá, nhiều công nhân, tài xế rất lo lắng khi phải thi công dưới đường điện cao thế chưa được di dời. Các xe chở đất phải đổ đất xa đường điện rồi dùng xe ủi đẩy đất vào.
Ông Lâm Văn Qưới, Phó giám đốc Công ty cổ phần Hải Đăng, Chỉ huy trưởng công trường chia sẻ, hiện nay đơn vị gặp rất nhiều khó khăn khi thi công dưới đường điện cao thế. Trong khi đó nhiều hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời ra khỏi công trường, gây chậm tiến độ.
Ông Nguyễn Thái Hiền, Chỉ huy phó công trường, Công ty cổ phần Hải Đăng cho biết, trong 6 km đang đổ đất đắp thì có 4 km vướng các cột điện cao thế, hạ thế và cáp viễn thông nên tiến độ thi công chỉ đạt 25% kế hoạch được giao. Đối với đoạn qua xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh phải đổ đất đắp cao 4m nhưng mới đổ được 1m thì phải dừng lại vì vướng dây điện. Trong khi nhà thầu thi công cầm chừng do vướng các trụ điện và phải chờ UBND huyện Vạn Ninh phê duyệt phương án di dời, chọn nhà thi công.
Trong hơn 22 km đoạn tuyến thuộc gói XL02 (dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang) do Tập đoàn Sơn Hải đang thi công có tới 20 vị trí đường dây điện nhưng đến nay vẫn chưa di dời. Tại lý trình Km366+200 và Km364 (đoạn tuyến do Tập đoàn Sơn Hải thi công) có hai vị trí đường dây 110 kV và đường trung thế vắt qua tuyến. Tại hai vị trí này, đơn vị thi công phải trừ hai rãnh sâu ngang tuyến nhằm hạ thấp cao độ của mặt bằng tuyến để xe, máy móc đi qua tạo khoảng cách an toàn với dây điện đang “lơ lửng” trên nóc xe.
Tài xế xe tải Nguyễn Văn Quang của Công ty cổ phần Hải Đăng lo lắng chia sẻ, hàng ngày xe anh đổ đất đắp ở vị trí dưới đường dây 22 kV, do mặt bằng vị trí ngày càng cao và gần với khoảng cách an toàn dưới hành lang đường điện. Nhiều tài xế khác của Tập đoàn Sơn Hải cũng cho biết, khi đổ vật liệu gần đường điện mà trời mưa thì rất lo lắng, sợ nhất là hiện tượng phóng điện từ đường dây. Do đó, mỗi khi thi công dưới đường điện, các tài xế phải phân công thêm hỗ trợ và cảnh giác thi công an toàn.
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Điều hành dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang (Tập đoàn Sơn Hải) cho biết, trước đây, đơn vị đã dùng biện pháp duy nhất là đổ đất đá xa vị trí dưới đường dây rồi dùng máy ủi đẩy đất đá vào từng tý một. Tuy nhiên, cũng chỉ được một khối lượng nhất định vì nóc ca bin máy ủi cũng có nguy cơ chạm vào dây điện.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do thủ tục thực hiện di dời hệ thống lưới điện phức tạp, nhà thầu phải chờ các cơ quan chức năng phê duyệt phương án di dời, việc bố trí mặt bằng cần nhiều thời gian nên việc di dời lưới điện trên cao tốc Vân Phong – Nha Trang chậm trễ.
Tại huyện Vạn Ninh, đến nay địa phương này đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tiếp cận thi công được khoảng 92%. Tuy nhiên, có 41 vị trí giao cắt đường điện cao thế, trung và hạ thế chưa được di dời. Theo UBND huyện này, hồ sơ di dời các vị trí điện trung và hạ thế đã được phê duyệt. Hiện nay 7 vị trí đường điện 110 kV sau khi trình Sở Công Thương Khánh Hoà thẩm định, dự kiến đến ngày 20/10 mới phê duyệt.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, địa phương đang tích cực triển khai các công việc liên quan đến điện lưới, bao gồm quá trình thẩm định đường dây 22 kV và đường dây 0,4 kV. Huyện cũng đã phê duyệt hồ sơ, dự toán di dời các đường điện này.
Theo Ban Quản lý dự án 7, Ban đã đề nghị thị xã Ninh Hoà ưu tiên di dời tạm 3 vị trí đường dây hạ thế để thi công cầu Sông Lốp, cầu Thân Trung Thượng, khu vực nút giao Quốc lộ 26.
Trước tình hình đó, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà đã giao Sở Công Thương tập trung đẩy nhanh việc lấy ý kiến, trình thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế các công trình điện cao thế 110 kV và 220 kV. UBND tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh việc lựa chọn nhà thầu để di dời sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Dự án thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Dự án đoạn cao tốc này có tổng chiều dài tuyến khoảng 83,35 km với tổng mức đầu tư dự án hơn 11.808 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 1/1/2023 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Toàn tuyến cao tốc thành phần Vân Phong – Nha Trang đi qua địa bàn 4 huyện, thị ở Khánh Hòa gồm: huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa.