Dưới chân núi Ngọc Linh

Hưởng ứng Ngày Quốc tế về Rừng 21/3:

BVR&MT – Thấm thoắt chị gái lấy chồng đã được ba mùa cơm mới, con gái chị đã lẫm chẫm tập đi, bi bô tập nói thì tôi mới có dịp vào thăm. Hơn 11 tiếng trên xe khách giường nằm cho quãng đường từ xứ Nghệ đến xứ Quảng. Rồi từ trung tâm thành phố Tam Kỳ bắt xe đò ngồi hơn 4 tiếng với cung đường lắm khúc khuỷu, lắm cua tay áo tôi mới đặt chân lên đến trung tâm huyện lỵ Nam Trà My. Anh rể đón tôi với chiếc xe Win (loại xe chuyên dụng cho những con đường nơi đây), chạy xe hết hơn một tiếng đồng hồ trên cung đường cheo leo, đầy ổ voi ổ trâu, thậm chí cả những nơi còn cả dấu vết sạt lở từ những trận mưa lũ của rừng mới đến được quê anh chị, xã Trà Linh.

Từ xa, tôi đã thấy bóng dáng chị như hòn vọng phu, đứng bên những lán trại dựng tạm để bỏ xe máy của đồng bào, mắt dõi về xuôi, chợt thương đến quặn thắt lòng. Bỏ xe máy lại lán, chúng tôi tiếp tục hành trình, lần này là cuốc bộ. Vượt qua những dãy núi cheo leo dốc đứng, những rừng nguyên sinh rậm rạp đầy vắt, hành lí của tôi anh chị mang giúp mà tôi vẫn vừa bò vừa thở, người ướt đẫm mồ hôi, theo không kịp. Sau hơn một tiếng mỏi nhừ đôi chân vốn quen đi trên đường nhựa, bê tông; mắt tôi chợt bừng sáng trước những ngôi nhà sàn rải rác, cheo leo bên khe suối (anh rể bảo đó là kho trữ lúa của đồng bào); những cảnh đẹp đến mê hồn; những trang phục đậm sắc màu thổ cẩm… bởi nơi đây chỉ có mỗi dân tộc Xê Đăng.

Cuộc sống hồn nhiên và chân thật, chất phác mà phóng khoáng; nghe chị trò chuyện về cuộc sống thường nhật nơi đây, tôi ra hình như chị cũng đã thành người dân tộc mất rồi. Thật bất ngờ khi nghe chị kể, những con người mộc mạc ấy, dưới những ngôi nhà sàn đơn sơ ấy là một trong những làng giàu có bậc nhất nước ta. Núi rừng nơi đây đã cho họ một thứ quà đắt giá, đó là sâm Ngọc Linh.

Ảnh minh họa.

Sâm Ngọc Linh (danh pháp hai phần: Panax vietnamensis) là một loài cây thuộc Họ Cuồng cuồng (Araliaceae), còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Ngoài Ngọc Linh, sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và còn có thể có ở đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam theo những kết quả điều tra mới nhất. Trên độ cao 1.200 đến 2.100m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần (khoảng 10 – 12 triệu đồng/lượng). Bên cạnh đó lá sâm tươi cũng ở khoảng 5 triệu đồng/ 1kg, còn hạt để giống thì lại càng đắt đỏ

Không biết có phải bởi bản tính hiếu khách của đồng bào nơi đây hay do anh chị sống chân tình mà nghe tin tôi vào, đồng bào tập trung đến chơi rất đông. Đêm, bên ché rượu cần, bên nồi thịt lợn rừng chị mua được của người thợ săn làng bên để đãi em vào, tiếng trò chuyện rôm rả, tôi nghe câu được câu không bởi họ nói chuyện xen giữa tiếng Kinh và tiếng dân tộc. Đang say sưa bỗng nghe tiếng chó sủa, anh rể ra bên góc nhà thấy một chú hổ mang gần 1 kg đang thở phì phì. Cuộc sống thật quá đỗi hoang dã, gần gũi với thiên nhiên mà người phố thị không thể cảm nhận được. Tôi đến nơi đây vào mùa hè, ở ngoài xứ Nghệ nắng như đổ lửa với những đợt gió lào thổi rát mặt nhưng đêm đầu tiên ở dưới chân núi Ngọc Linh tôi đã không ngủ được vì lạnh dẫu đã đắp chăn bông. Sáng ra, múc ca nước suối để đánh răng lại càng run cầm cập. Với độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển cộng với môi trường của rừng nguyên sinh rậm rạp, dù là mùa hè nhưng thời tiết rất dễ chịu. Có lẽ nhờ thời tiết ấy cộng với môi sinh của rừng Ngọc Linh mà ở đây sâm đã phát triển rất mạnh. Ngoài sâm trồng của các nhóm hộ gia đình, của nhà nước thì thỉnh thoảng vẫn có những củ sâm tự nhiên quý hiếm giữa đại ngàn mênh mông thăm thẳm. Chị kể cách đây có anh Hồ Văn Chiêu cùng thôn lên núi Ngọc Linh tìm sâm tự nhiên. Khi tới đỉnh, ở độ cao khoảng 2.400 m, anh Chiêu phát hiện cây sâm lớn nên đào mang về. Củ sâm dài khoảng 50 cm, có 100 đốt và nặng gần một kg, có tuổi đời hơn 100 năm tại vùng núi Ngọc Linh. Anh Chiêu đã bán cho bà Thương, chủ cửa hàng tạp hóa với giá 200 triệu đồng. Sau đó một ngày, bà này đã bán lại hơn 250 triệu đồng cho một vị đại gia.

Có thể nói sâm Ngọc Linh đã đem lại một nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng. Đặc biệt có lẽ ở Nam Trà My có nhiều tỉ phú sâm Ngọc Linh nhất lại ở xã Trà Linh nơi anh chị tôi đang sinh sống. Ngay như trong gia đình bên nội của anh rể, bác trai đầu có hai vườn sâm trị giá hàng chục tỉ đồng, cô em gái cũng tương tự. Ngay cả chú em còn đang đi học cấp 2 nhưng cũng đã được cha mẹ và anh chị gây dựng sẵn cho một vườn sâm cả ngàn gốc. Với cửa hiệu tạp hóa, chị cũng thỉnh thoảng mùa vài lạng sâm của đồng bào trong làng. Sau đó thu gom bán lại cho thương lái mỗi dịp xuống Tam Kỳ. Sâm Ngọc Linh ngày lại càng có giá trị khi được nhà nước công nhận là sản vật quốc gia. Và từ năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã mở lễ hội sâm Ngọc Linh ngay ở Tắk Pỏ. Lễ hội sâm Ngọc Linh được kéo dài khoảng ba ngày (từ ngày 1 đến ngày 3-8), với nhiều hoạt động tiêu biểu như: Lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh, Hội chợ sâm Ngọc Linh, Triển lãm, trưng bày ảnh nghệ thuật về sâm Ngọc Linh cùng các hoạt động văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở huyện Nam Trà My. Ngày tôi vào thì lễ hội đã tan nhưng những khẩu hiệu, áp phích, những dư âm đọng lại cũng đủ thấy sự náo nhiệt, giàu có của lễ hội. Lễ hội sâm Ngọc Linh là dịp để quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam), tôn vinh những người trồng sâm; qua đó thu hút đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp dược liệu, phát triển thương mại – dịch vụ và du lịch. Qua đó, giúp du khách trong và ngoài nước biết đến thương hiệu sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý giá trong việc bồi bổ, chăm sóc sức khỏe.

Từ nơi ở của chị vào chỗ trồng sâm đi bộ khoảng ba tiếng đồng hồ, con đường mòn dẫn vào vườn sâm chừng nằm giữa những tán cây cổ thụ âm u, với tiết trời khá lạnh. Tôi là người ngoài làng nên chẳng thể được phép vào chỉ có thể tưởng tượng qua những bức hình anh chụp trên điện thoại. Vì đắt đỏ lại trồng dựa hoàn toàn vào tự nhiên nên phải có người canh gác túc trực 24/24 giờ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Khác với các vườn sâm nhà nước trồng và khai thác, để vào được vườn sâm, du khách sẽ phải đi qua hệ thống gần 10 hàng rào an ninh bảo vệ vườn sâm bằng lưới thép B40, trên mỗi cổng là hệ thống cảm ứng báo động bằng nhiệt, khi có người lạ vào thì chuông báo động sẽ kêu. Ở làng của anh chị, người dân ở đây 3 – 4 nhà lập thành một tổ trồng gần nhau để thay phiên nhau canh gác ngoài những biện pháp bảo vệ như bẫy chông, bẫy hầm… của họ. Ngoài sản vật sâm ra, rừng Ngọc Linh nơi đây còn rất dồi dào chủng loại hoa phong lan, các thú rừng quý hiếm. Chính vì thế người dân coi rừng như báu vật cần gìn giữ muôn đời. Lễ hội nào, họ cũng có lễ cúng rừng, rồi các thế hệ nối tiếp nhau bảo vệ đại ngàn mãi nguyên sinh, xanh thẳm. Nhìn những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, những thân cây cổ thụ dọc bên đường vào làng anh chị, cạnh bên thủy điện sông Tranh; cảm nhận khí hậu trong lành nơi đây; tôi chợt nhận ra, cách để bảo vệ rừng tốt nhất chính là nhận thức của người dân.

Người kiểm lâm tốt nhất chính là người dân khi họ thấy được rừng mang lại cho họ cả nguồn sống. Nghe chị kể và tận mắt chứng kiến, tôi thấy mừng cho cuộc sống của chị; hạnh phúc với người mình yêu thương, an yên với những người xa lạ đã thành quê hương của chị. Đặc biệt là người Xê Đăng nơi đây vẫn theo chế độ mẫu hệ. Việc chị đi làm dâu lại càng được gia đình bên chồng trân quý. Ngày về, anh rể bảo đưa vài nhành phong lan về trồng cho đẹp. Nhưng tôi không cầm bởi biết rằng nó không hợp với khí hậu quê mình. Hơn nữa, hoa phong lan chỉ đẹp khi nó tầm gửi trên những thân đại thụ kia để quang hợp sương gió của núi rừng. Lên xe về Bắc, tôi không dám ngoảnh nhìn chị đang đứng nơi dốc núi dõi theo bóng hình em. Nước mắt lưng tròng vừa mùng vừa tủi vì thương

Đinh Hạ (Bài viết có tham khảo một vài tư liệu trên internet)

Tags:
CHIA SẺ