Đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật vào nề nếp

BVR&MT – Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, việc ban hành Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, cần thiết và cấp bách nhằm bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Chiều 11/7, tiếp tục Phiên họp thứ 13, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội.

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Để góp phần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nề nếp, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là cần thiết và phù hợp với vị trí, chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “cơ quan thường trực của Quốc hội”, “chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội” theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, dự thảo Nghị quyết gồm 3 chương và 14 điều quy định cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện và báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giải quyết những vướng mắc trong thực tế, thực hiện ngay trong năm 2022.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Ảnh: TL.

Sau khi nghe trình bày Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết và các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc xác định cụ thể kỳ giám sát là nội dung cần thiết để bảo đảm tính thống nhất trong việc đánh giá, tổng hợp và phù hợp với kiến nghị, đề xuất của hầu hết các cơ quan của Quốc hội. Hơn nữa, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Do vậy, đây là hoạt động không phụ thuộc vào việc các cơ quan thi hành phải báo cáo mà là hoạt động mang tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội thông qua việc theo dõi, xem xét các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trên Công báo hoặc do các cơ quan gửi đến. Trong quá trình thực hiện giám sát, trường hợp phát hiện văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật của Quốc hội thì cần phải báo cáo ngay Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại bất kỳ phiên họp nào.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì vấn đề thượng tôn pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng trong đó trước nhất là thượng tôn pháp luật trong ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản. Cơ quan nhà nước phải nghiêm thì người dân, doanh nghiệp mới nghiêm được. Do đó, việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là rất cần thiết và cấp bách.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, về kỳ giám sát, kỳ báo cáo nên phân biệt giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề bởi đây là vấn đề liên quan đến phạm vi giám sát.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã nêu rõ tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, trong đó có nội dung rất quan trọng là nâng cao chất lượng chiến lược xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật càng có ý nghĩa quan trọng. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn về việc giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rất có ý nghĩa, cần thiết phải thực hiện khẩn trương.

Về phạm vi giám sát, theo Phó Chủ tịch Quốc hội cần phân công theo chức năng, nhiệm vụ và phối hợp giữa các cơ quan; không chỉ giám sát các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành mà còn giám sát cả các văn bản tổ chức thực hiện…; có giám sát thường xuyên, có giám sát theo chuyên đề, có giám sát theo hướng dẫn…

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số nguyên tắc chung trong dự thảo Nghị quyết trước khi tiếp tục hoàn thiện và ban hành trong tháng 7 này./.