BVR&MT – Ngày 19/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (Vusta) Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Góp ý cho dự thảo chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Hội thảo có sự tham dự của TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch LHHVN; TS Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký LHHVN; PGS.TS Triệu Văn Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA); PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, TS. Nguyễn Quang Tân, Trưởng đại diện Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế tại Việt Nam (ICRAF) cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành, đại diện các tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực Lâm nghiệp hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Triệu Văn Hùng, Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, dự thảo đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá chiến lược như: Phát huy lợi thế khí hậu, đất đai, phát triển nhanh và bền vững ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; Nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, đáp ứng cơ bản nhu cầu gỗ cho chế biến, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; xây dựng và tổ chức thực hiện quản lý rừng bảo vệ theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển sản phẩm chế biến sâu, giá trị tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; Phát triển thị trường, thương hiệu Việt. Đồng thời bảo đảm chức năng bảo tồn và phòng hộ của rừng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia và ưu tiên các giải pháp về khoa học công nghệ và cơ chế, chính sách.
Tâm đắc với tính xu thế và thời đại của Dự thảo, Trưởng đại diện Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế tại Việt Nam (ICRAF) trình bày tham luận tại Hội thảo – TS. Nguyễn Quang Tân bày tỏ: “Chúng tôi ghi nhận đánh giá cao những ý tưởng đột phá mới đón đầu xu thế phát triển toàn cầu được đề cập trong bản dự thảo chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm “lâm nghiệp đô thị”, “phát triển chính sách nông lâm kết hợp”, “phát triển mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái phát triển theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng” và “cơ chế giám sát chiến lược với mục tiêu để đảm bảo tính khách quan, việc đánh giá phải giao cho các tổ chức và cơ quan độc lập bao gồm cả tổ chức quốc tế và phi Chính phủ”. Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực hiện chính sách bảo tồn tại Việt Nam, chúng tôi cũng hy vọng việc thực thi chiến lược được hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký, đồng thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thế giới”.
Có thể thấy, trải qua 15 năm thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006 – 2020, ngành lâm nghiệp đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về diện tích trồng rừng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, đóng góp vào GDP của ngành lâm nghiệp còn thấp. Trong giai đoạn 2021 – 2030, ngành lâm nghiệp cần đặt vào thước đo giá trị mới từ chuyển đổi số và giá trị gia tăng từ trồng rừng thay vì những số liệu đơn thuần.
Trên cơ sở bài học, kết quả đạt được trong 15 năm qua của ngành lâm nghiệp. Tới nay ngành lâm nghiệp đã trải qua 3 giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn 1 từ 2006 – 2010 là chương trình chương trình trồng rừng 661, giai đoạn 2 từ 2011-2015 bảo vệ và phát triển rừng và giai đoạn 3 từ 2016 – 2020 phát triển ngành ngành lâm nghiệp bền vững.
Sẽ có 8 nội dung cơ bản trong đề án chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đầu tiên, phải đặt ngành lâm nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Tiếp đến là xu thế lâm nghiệp thế giới là tạo ra những sản phẩm mới từ rừng, các sản phẩm sinh học, các sản phẩm gắn với y tế và dược, các sản phẩm các-bon từ rừng.
Cụ thể, đến năm 2025 ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu lao động trong ngành được đào tạo 40% và 2030 là 45%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trung bình 5-5,5%/năm. Xuất khẩu lâm sản đạt 18-20 tỷ USD năm 2025 và 23-25 tỷ USD năm 2030. Thu dịch vụ môi trường rừng 3.500 tỷ đồng năm 2025 và trên 4.000 tỷ đồng năm 2030. Cấp chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng 0,5 triệu ha năm 2025, 1 triệu ha năm 2030 và tỷ lệ che phủ rừng 42-43%.
Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng ngành lâm nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và sáng tạo, có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cùng với đó, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến góp phần nâng cao hiệu quả trồng rừng, độ che phủ của rừng tại Việt Nam trong những năm tới.
Hậu Thạch