BVR&MT – Như đã thành thông lệ, khách du lịch có dịp đến với Tây Bắc theo tuyến quốc lộ 6 thường ghé qua các điểm dừng chân dọc theo dải đèo dốc Đá trắng, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình để nghỉ ngơi và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Tây Bắc như rượu bản, trứng luộc, ngô hấp, mía nướng… Tuy nhiên, chất lượng của trứng gà bản, một trong những đặc sản kể trên, cho đến nay vẫn chưa được bất cứ một cơ quan chức năng nào đứng ra thẩm định và đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Vùng Tây Bắc giàu tiềm năng phát triển du lịch với nhiều giá trị tài nguyên nổi bật như thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ, địa hình địa chất độc đáo, văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc, các giá trị truyền thống lâu đời và quần thể di tích lịch sử cách mạng quan trọng.
Điểm nhấn của du lịch Tây Bắc là những cung đường, những điểm dừng chân bên lưng đèo, thưởng thức những sản vật mang đậm bản sắc, từ đây du khách có cơ hội phóng tầm mắt thưởng ngoạn khung cảnh núi non hùng vĩ, nhìn lại những chặng đường vừa đi qua rất đẹp và thơ mộng.
Từ những lợi thế đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số: 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 22 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 201/QĐ-TTg: Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 và cụ thể hóa tại đề án Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc. Các địa phương trong vùng nỗ lực triển khai các nội dung, chương trình, quyết tâm phát triển du lịch Tây Bắc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trứng gà bản thực chất là trứng gà Ai Cập?
Lên vùng Tây Bắc, ngoài thưởng ngoạn cảnh núi non trùng điệp, dốc đá treo leo, du khách cũng không quên đắm chìm trong những sản vật của vùng rừng núi như: Rượu bản, trứng gà nướng, cơm lam… rồi khi về ai cũng mua cho mình một sản vật của vùng quê nơi đây để làm quà.
Từ Hà Nội dọc theo quốc lộ 6, qua các con dốc cheo leo giữa núi rừng, du khách sẽ dừng nghỉ chân tại dốc Đá Trắng, thuộc xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình để thưởng thức món rượu bản, cơm lam, và đặc biệt hơn là trứng gà bản (gà ri xịn 100%). Từ lâu địa điểm này đã là điểm dừng chân nổi tiếng tại tỉnh Hòa Bình trên tuyến du lịch Tây Bắc. Theo quan sát của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử, hầu như du khách dừng chân tại đây đều thưởng thức sản phẩm cơm lam, trứng gà nướng hoặc luộc và nhâm nhi cùng vài ly rượu cùng xiên thịt nướng…
Không chỉ thưởng thức những sản vật trên, du khách còn mua rất nhiều về làm quà, các sản phẩm trứng gà được bà con dân bản đóng sẵn thành một giỏ 50 quả, bán với giá từ 150.000 đồng. Theo như những chủ hàng cho biết toàn bộ trứng gà được bà con thu mua ở các bản ngay dưới chân dốc, gà được bà con trong bản nuôi thả tự nhiên, khách du lịch muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có…
Nghi ngờ về chất lượng trứng và số lượng trứng được bày bán rất nhiều tại đây, nhóm phóng viên đã mục sở thị tìm đến các bản dưới chân dốc tìm hỏi mua trứng. Tuy nhiên bà con ở các bản Tằm, Thung, Bưởi… của xã Phú Cường cho biết, giá mỗi quả trứng gà nuôi ở bản đã có giá là 4.000 đồng/quả, tìm mua để ăn còn không có lấy đâu ra nhiều mà bán cho các chủ hàng ở trên dốc.
“Trứng ở trên dốc không phải là trứng gà bản đâu! các chủ hàng nhập qua các thương lái vận chuyển từ dưới suối lên bán lại đấy, nên mới có nhiều trứng và bán quanh năm. Về chất lượng, trứng gà của bản ăn ngon hơn nhiều như: khi luộc lên trứng gà bản sẽ có nhiều lòng đỏ hơn, thơm hơn, lòng đỏ có màu đỏ chứ không phải màu vàng như trứng ở trên dốc….”, một người dân trong bản khẳng định.
Từ những thông tin của bà con dân bản, nhóm phóng viên đã bắt tay vào điều tra cung đường vận chuyển của những quả trứng gà bản? Qua điều tra, được biết sản phẩm trứng gà bà con dân tộc Mường đang bày bán ở dốc Đá trắng không phải là trứng gà bản. Thực chất là trứng gà Ai Cập – giống gà siêu đẻ được nuôi nhốt công nghiệp, cho ăn tăng trọng tại huyện Thanh Oai, Hà Nội và tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Cơ quan chức năng đang ở đâu?
Quá trình điều tra phải mất nhiều ngày nhóm phóng viên mới tiếp cận được một thương lái tên N. (xin được giấu tên) chuyên cung cấp trứng cho những hộ kinh doanh tại dốc Đá Trắng. Ban đầu thương lái N. cũng rất cẩn thận dò hỏi thông tin mua trứng của phóng viên, qua trao đổi, thương lái đã đồng ý gặp.
Tại nhà, thương lái này cho biết toàn bộ trứng được bán ở dốc Đá Trắng và những khu vực lân cận được anh và người khác cung cấp. Trứng được mua từ các trại gà công nghiệp ở huyện Thanh Oai, Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, sau đó được vận chuyển bằng ô tô lên Hòa Bình và được phân phối cho các chủ quán trên dốc đá. Khách hàng muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, có ngày một chủ quán trên dốc bán được hơn vài nghìn quả.
Theo tiết lộ của N., trứng gà bản có lòng đỏ nhiều hơn, khi chín lòng đỏ có màu đỏ chứ không vàng như trứng gà Ai Cập, về chất lượng và hương vị, chỉ có người dân bản mới phát hiện được, khách du lịch sẽ không biết vì kiểu dáng trứng gà Ai Cập cũng bé như trứng gà ta, hương vị cũng thơm ngon nhưng điểm chú ý là trứng gà Ai Cập trăm quả như một, vỏ trứng màu trắng đều.
Từ những kết quả điều tra ban đầu, nhóm phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Phú Cường. Tại buổi làm việc ông Bùi Văn Lực – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở vị trí dừng chân trên dốc Đá Trắng có khoảng 20 hộ kinh doanh các sản phẩm trứng gà và cơm lam và nhiều sản vật khác. Trứng gà mà bà con đang bày bán không phải là trứng gà của các bản trong xã, về nguồn gốc trứng xã không nắm được. Toàn bộ trứng bán trên dốc Đá Trắng được 02 lái buôn ở trong huyện cung cấp.
Đối với sản phẩm cơm lam, bà con có nấu cơm lam bằng nếp nương, nhưng vì không bán hết, nên bà con tiếc đã mang về hấp lại sau đó cho vào ống tre, nứa đã chuẩn bị sẵn và hơ qua lửa sau đó bà con mang lên dốc Đá Trắng bày bán cho khách du lịch”.
Cũng theo ông Lực, UBND xã đã nắm được và cũng đã tuyên truyền, vận động để bà con bản hiểu và không làm như vậy nữa, tuy nhiên vì lợi nhuận trước mắt nên bà con vẫn làm, việc làm này về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu, uy tín của các sản phẩm khác… nếu khách du lịch biết được họ sẽ không mua hàng nữa lúc đó bà con sẽ thiệt hại rất lớn. Thời gian tới UBND xã sẽ quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của các chủ quán.
Có thể nói, các sản phẩm của bà con dân tộc Mường rất khó làm giả, tuy nhiên chính bà con dân tộc vì cái lợi trước mắt mà hàng ngày đang đánh mất dần sự yêu mến của khách hàng về những sản vật đặc sắc của địa phương.
Thiết nghĩ tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh trong tuyến du lịch Tây Bắc nói chung cần có giải pháp tuyên truyền, vận động để bà con dân tộc hiểu được lợi ích của các sản vật, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm của các chủ quán.
Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp cương quyết để nâng cao những giá trị sản phẩm du lịch của địa phương mình. Nếu không ngăn chặn kịp thời, tuyến du lịch Tây Bắc sẽ bị ảnh hưởng tiếng xấu từ những cách làm trên của đồng bào.
Phượng Long