BVR&MT – Loại hình du lịch chữa lành hay còn được biết tới với tên gọi du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khoẻ. Đến nay, vẫn chưa có định nghĩa thật rõ ràng và thống nhất về du lịch chữa lành, song về cơ bản, có thể hiểu du lịch chữa lành là loại hình du lịch thường được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Cô Tô có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này.
Tiềm năng, lợi thế của đảo ngọc
Huyện đảo Cô Tô có diện tích tự nhiên rộng lớn với nhiều hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác xung quanh đảo chính, tạo nên cảnh quan đa dạng, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn như thể thao dưới nước, nghỉ dưỡng biển, trekking xuyên đảo/xuyên rừng, chạy bộ điền dã, đạp xe du khảo hay tập yoga… Cô Tô luôn có chỉ số không khí tốt nhất miền Bắc. Vùng biển Cô Tô được coi là vùng đa dạng sinh học hàng đầu ở Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung, thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, lặn biển ngắm san hô, khám phá thế giới đại dương kỳ thú…
Ngoài ra, Cô Tô còn là một ngư trường lớn với trữ lượng thuỷ hải sản dồi dào, là nguồn cung thực phẩm phong phú, tươi ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, thuận lợi cho việc tổ chức các bữa ăn lành mạnh, bổ dưỡng, có lợi cho sức khoẻ, đặc biệt thích hợp với những người ăn theo chế độ kiêng thịt…
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, huyện Cô Tô đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Trong đó phải kể tới sự hình thành và phát triển nhanh chóng của hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận chuyển hành khách… đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng từ bình dân tới tầm trung.
Trong tương lai, với tầm nhìn dài hạn của hệ thống chính quyền và sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Cô Tô hứa hẹn sẽ có sự bứt phá mới, trở thành Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng biển, đảo cấp quốc gia và là một trong những trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng biển phía Bắc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Với tất cả những tiềm năng, lợi thế trên, Cô Tô có đầy đủ những tiền đề, thế mạnh để phát triển du lịch chữa lành – loại hình du lịch đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới.
Giải pháp mới khắc phục tính mùa vụ?
Du lịch chữa lành đặc biệt phù hợp vào mùa thu đông do yêu cầu cao về sự riêng tư, yên tĩnh. Do vậy, việc phát triển sản phẩm này sẽ giúp thu hút du khách vào mùa thấp điểm, góp phần giải quyết tính mùa vụ cao của du lịch biển Cô Tô. Đồng thời, du lịch chữa lành hướng tới các đối tượng khách có thu nhập cao, du khách quốc tế giúp tăng nguồn thu từ du lịch, giải quyết việc làm cho lao động, phù hợp với định hướng phát triển bền vững gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.
Bà Hoàng Thị Hồng Anh (du khách Hà Nội) chia sẻ: Năm trước là lần thứ hai tôi quay trở lại Cô Tô vào mùa thu đông. Lúc này hòn đảo rất yên tĩnh, vắng vẻ giúp gia đình tôi cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn. Nếu dịch vụ được nâng cấp thêm như có hướng dẫn viên yoga hay các hoạt động tăng cường thể chất, chắc chắn Cô Tô sẽ trở nên hấp dẫn và thu hút được nhiều du khách vào mùa thu đông.
Tuy nhiên, để du lịch chữa lành thực sự trở thành một sản phẩm hấp dẫn, có khả năng thu hút phân khúc khách cao cấp, huyện Cô Tô cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như: Đưa du lịch chữa lành trở thành một trong những mô hình chủ lực ở địa phương với các tour chuyên đề, nhân rộng các mô hình lưu trú kết hợp với hoạt động chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng giấc ngủ và ăn uống lành mạnh. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch bằng cách thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch chữa lành chuyên đề, khu nghỉ dưỡng, các trung tâm spa, phòng tập yoga.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động đặc thù vốn được xem là lợi thế của du lịch chữa lành như tour du lịch thiền, yoga tại các bãi biển, bãi đá Móng Rồng, du lịch khám phá thiên nhiên, văn hoá, tour du lịch rèn luyện sức khoẻ, trải nghiệm cuộc sống ngư dân với các phương thức đánh bắt truyền thống, trải nghiệm một ngày trên hòn đảo không dấu chân người…
Cùng với đó, cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cao trong lĩnh vực du lịch và chăm sóc sức khoẻ; thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề và liên kết đào tạo với các địa phương đã phát triển mạnh về loại hình này.
Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hoá, Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô, cho biết: Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, du lịch chữa lành rất phù hợp để trở thành sản phẩm du lịch cần được triển khai trong thời gian tới cũng như bổ trợ cho các sản phẩm du lịch khác. Đây cũng là sản phẩm phù hợp với xu hướng chung của ngành du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chủ động tham mưu và đề xuất với UBND huyện những giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch này, cùng với du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch thể thao để hút khách đến Cô Tô vào mùa thấp điểm.
Để du lịch chữa lành thực sự trở thành sản phẩm hút khách còn cần thêm thời gian, tuy nhiên, đây là một sản phẩm rất tiềm năng và hứa hẹn sẽ là xu hướng mới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.