BVR&MT – Theo nghiên cứu, các phương tiện giao thông tiêu thụ khoảng 70% lượng xăng, dầu và thải ra môi trường khí ôxít carbon (CO), hiđrô carbon (HC), ôxít nitơ, bụi thải và các độc tố gây ô nhiễm không khí.
Để góp phần giảm tình trạng ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến cho dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ôtô đang lưu hành, dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2022.
Theo dự thảo, quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến phương tiện ôtô đang lưu hành tại Việt Nam.
Cụ thể là các loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ bốn bánh xe trở lên và thường được dùng để chở người hoặc hàng hóa…
Phương pháp đo độ khói trong khí thải động cơ cháy do nén được thực hiện bằng phương pháp đo mẫu khí thải theo chu trình đo động cơ ở chế độ gia tốc tự do.
Cụ thể, khí thải ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức sản xuất trước năm 1999, đang lưu hành phải đáp ứng giá trị giới hạn cho phép của các thông số CO ở mức 1 là 4,5% thể tích; thông số HC đối với động cơ 4 kỳ là 1.200, động cơ 2 kỳ là 7.800, động cơ đặc biệt là 3.300.
Khí thải phương tiện ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức sản xuất từ năm 1999 đến ngày 1/1/2017, đang lưu hành phải đáp ứng mức 2 – tương ứng với thông số CO là 3,5% thể tích; HC (động cơ 4 kỳ) là 800, động cơ 2 kỳ là 7.800, động cơ đặc biệt 3.300.
Khí thải phương tiện ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén sản xuất sau ngày 1/1/2017 và ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu phải thực hiện theo Lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn này.
Quy chuẩn này không áp dụng đối với các loại xe cơ giới đặc chủng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định./.