Dự đoán đại dịch. BVR&MT – Làm cách nào để dự đoán một căn bệnh nguy hiểm như Ebola sẽ xuất hiện ở đâu? Từ khi xuất hiện tại một thị trấn nhỏ nằm ở bìa rừng thuộc đất nước Congo, Ebola đã bùng phát ở 7 nước khác thuộc châu Phi cách thị trấn này cả nghìn cây số.
Có lúc bệnh dịch lây lan khỏi rừng rồi biến mất sau nhiều năm, cũng có lúc tràn vào thành phố, khiến các chính phủ chỉ biết ứng phó kiểu càng nhanh càng tốt đau đầu. Nhưng thật ra, nhà nghiên cứu David Redding thuộc Viện Động vật học London tin rằng nếu có dữ liệu đầy đủ thì có thể đoán trước được các bệnh từ động vật lây sang người từ linh trưởng hoặc có thể là dơi.
Redding và nhóm các nhà sinh thái học về bệnh dịch thuộc Đại học College London (UCL) xây dựng mô hình máy tính về những thay đổi xã hội và xáo trộn môi trường như phá rừng, mở rộng đô thị, sự di chuyển của các động vật làm vật chủ, biến đổi khí hậu, nhiệt độ, lượng mưa, kiểu sinh cảnh, và thậm chí các tuyến kết nối vận tải. Mô hình này dự đoán chính xác nơi bùng phát ba dịch bệnh gần nhất, dù không khớp về thời gian.
Bản đồ của Redding cho thấy các điểm nóng Ebola xảy ra không chỉ ở Gabon và CHDC Congo mà cả những nước chưa bao giờ bùng phát: “Còn quá sớm để nói rằng chúng tôi nắm được mô hình rủi ro xảy ra. Chúng tôi sử dụng kiến thức về cách khí hậu và sinh cảnh tạo thành những điều kiện phù hợp cho các loài động vật chứa virus Ebola tồn tại và nơi nào con người tiếp xúc với chúng”.
“Không có lý do gì không sử dụng mô hình này để dự đoán hơn 200 loại bệnh từ động vật đã biết bùng phát ở đâu”, chuyên gia Kate Jones, trưởng khoa sinh thái và đa dạng sinh học thuộc UCL, khẳng định.
Cho đến nay, dự đoán bệnh từ động vật trông hết vào khâu giám sát và chuẩn bị. “Giám sát tập trung vào xác định những ca sớm nhiễm virus, xác định chỉ dấu rối rồi ứng phó”, Cựu giám đốc phụ trách đại dịch cúm và các bệnh mới nổi của Mỹ Dennis Carroll chia sẻ. “Nhưng bất kỳ loại virus nào gây ra mối đe dọa trong tương lai đều đã tồn tại. Vậy tại sao phải chờ đợi điều đó?”
“Chúng ta cần hiểu rõ hơn về virus và hệ sinh thái của chúng để hiểu rõ hơn về các điểm nóng. Cũng như dự báo thời tiết: 50 năm trước còn rất hạn chế khi chúng ta chỉ dự báo được một cơn bão trước 2 ngày, còn ngày nay chúng ta dự báo được theo năm một cách tương đối chính xác, thậm chí khi xảy ra ở ngoài khơi Tây Phi”.
“Hiện nay với virus, chúng ta cũng ở giai đoạn như với dự báo thời tiết 50 năm trước. Chúng ta có chút dữ liệu nhưng cần nhiều hơn rất nhiều và cần thực hiện theo những mô mình mà các nhà khí tượng học vẫn chạy. Chúng ta muốn thay đổi ngành virus học từ hiện trạng nhỏ bé như bây giờ. Chỉ riêng virus corona cũng có tới 4.500 chủng. Tại sao chúng ta không thể ghi nhận toàn bộ? Một số dự án cho thấy chúng ta có thể”.
Phần thưởng sẽ là atlas tiếp cận mở về gen của những virus nguy hiểm nhất thế giới giúp loài người chuẩn bị tốt hơn ứng phó với dịch bệnh bùng phát, các công ty dược phẩm cũng phát triển trước các loại thuốc và vắc-xin phổ rộng.
Cách dự đoán tốt nhất bệnh từ động vật, theo nhà sinh thái học vè bệnh dịch Richard Ostfeld thuộc Viện Nghiên cứu Sinh thái Cary là thu hẹp nghiên cứu vào nơi nào nhân loại xáo trộn môi trường tự nhiên nhiều nhất: “Có một quan niệm sai lầm rằng thiên nhiên hoang dã là nguồn bệnh từ động vật lớn nhất. Ý niệm này được củng cố từ cách khắc học phổ biến về rừng xanh đi kèm với hiểm họa vi trùng. Những hiểm họa bệnh từ động vật lớn nhất thật ra bùng lên ở những nơi thiên nhiên bị chuyển đổi thành đất trồng, đồng cỏ hoặc đô thị”.
Nhà sinh học tiến hóa Sam Sheppard thuộc Đại học Bath cho biết điều quan trọng không kém là tập trung vào chăn nuôi ở quy mô công nghiệp vì các trang trại chăn nuôi lớn tạo điều kiện hoàn hảo cho vi khuẩn và mầm bệnh lây lan giữa động vật và con người, làm tăng nguy cơ lây nhiễm “siêu bọ” có khả năng gây chết người như E.Coli, Salmonella và Campylobacter.
Sheppard cho hay cơn thèm thịt tươi sống vô độ trên toàn cầu – với lượng tiêu thụ tăng gấp 4 lần kể từ năm 1961 dù tổng số động vật có vú, chim, bò sát và cá giảm một nửa – làm tăng đáng kể nguy cơ bệnh từ động vật lây nhiễm sang người. “Lạm dụng kháng sinh, nhữn điều kiện chật chội, chế độ ăn uống trái tự nhiên và sự giống nhau về gen khiến các trang trại công nghiệp trở thành điểm nóng cho mầm bệnh lây lan giữa các loài động vật và có khả năng lây nhiễm sang người”.
Giám đốc EcoHealth Alliance Peter Daszak cho biết chúng ta đang ở trong “thời đại của đại dịch” và rằng “chúng tôi coi đại dịch là vấn đề cũng như ứng phó với thảm họa. Chúng tôi chờ đợi đại dịch xảy ra và hy vọng một loại vắc-xin hoặc thuốc có thể được phát triển nhanh chóng sau đó. Nhưng vẫn chưa có vắc-xin cho virus SARS 2002–2003, cũng như HIV/AIDS hoặc Zika hoặc nhiều bệnh mới xuất hiện. Ngoài ứng phó, chúng ta cần bắt đầu từ khía cạnh phòng ngừa”.
“Đại dịch giống như các cuộc tấn công khủng bố. Chúng ta biết đại khái chúng bắt nguồn từ đâu và điều gì sinh ra chúng nhưng không biết chính xác khi nào điều tiếp theo sẽ xảy ra. Chúng cần được xử lý theo cùng một cách là xác định tất cả các nguồn có thể và loại bỏ chúng trước khi đại dịch tiếp theo tấn công”.
Nhật Anh (Theo Guardian)