BVR&MT – Dự án VnSAT có tính chất hỗn hợp, thời gian qua Ban quản lý Trung ương và các tỉnh đã có nhiều cố gắng tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Số người hưởng lợi đạt 647.125 người, vượt yêu cầu so với mục tiêu đến năm thứ 3 thực hiện dự án là 300.000 người. Các hoạt động của dự án đã có tác động tích cực đến Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo và cà phê.
Theo báo cáo số 10098/TB-BNN-VP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại cuộc họp Tổng kết đoàn đánh giá lần thứ 6 và đánh giá giữa kỳ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam( VnSAT).
Kết quả dự án VnSAT
Ngày 14/12/2018 tại Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã chủ trì cuộc họp tổng kết đoàn đánh giá lần thứ 6 và đánh giá giữa kỳ dự án VnSAT. Sau khi nghe báo cáo của đoàn đánh giá dự án của Ngân hàng Thế giới và ý kiến của các tỉnh, Ban quản lý Trung ương và các cơ quan liên quan, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh có ý kiến kết luận như sau:
Số người hưởng lợi đạt 647.125 người, vượt yêu cầu so với mục tiêu đến năm thứ 3 thực hiện dự án là 300.000 người.
Hợp phần B – Lúa gạo: thực hành canh tác lúa gạo bền vững đạt 84.766 ha, vượt yêu cầu so với mục tiêu đến năm thứ 3 thực hiện dự án là 50.000 ha; và mức tăng lợi nhuận cho nông dân đã đạt 21%, vượt yêu cầu so với mục tiêu đến năm thứ 3 thực hiện dự án là 10%.
Hợp phần C – Cà phê: thực hành canh tác bền vững đạt 21.814 ha, vượt yêu cầu so với mục tiêu đến năm thứ 3 thực hiện dự án là 20.000 ha; và mức tăng lợi nhuận cho nông dân là 4,5%, tuy chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đến năm thứ 3 thực hiện dự án là tăng 10%, nhưng đây vẫn là kết quả đáng khích lệ do giá cà phê thế giới liên tục giảm mạnh trong các năm qua, mức tăng lợi nhuận 4,5% này đạt được do nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý tiên tiến, qua đó đã giảm mạnh chi phí và giá thành sản xuất;
Hợp phần A – Tăng cường năng lực thể chế thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Tăng chất lượng sử dụng ngân sách của Bộ Nông nghiệp và PTNT là 9% gần đạt so với mục tiêu đến năm thứ 3 thực hiện dự án là 10%; Khung chi tiêu công trung hạn (MTEF) cho chi thường xuyên và chi đầu tư đã được xây dựng là 01 MTEF ngang với yêu cầu cho năm thứ 3 thực hiện dự án; và kết quả triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành đã đạt được là 07 đề án, vượt yêu cầu so với mục tiêu đến năm thứ 3 thực hiện dự án là 02 đề án được triển khai.
Một số tồn tại và hạn chế dự án VnSAT
Các địa phương có kết quả thực hiện và tiến độ giải ngân hợp phần phi tín dụng đạt thấp dẫn đến chỉ số đánh giá giữa kỳ thấp (tiến độ dự án dưới 30%), một số tỉnh đạt thấp như Long An, Đắk Nông và Đắk Lắk. Nguyên nhân do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chưa thực sự quyết liệt, đồng thời Ban quản lý dự án các tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành dự án, thủ tục thẩm định báo cáo KTKT và đấu thầu còn rườm rà, qua nhiều cơ quan đơn vị làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Chậm triển khai về độ giảm phát thải khí nhà kính tại vùng canh tác lúa của dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long do cần phải cân nhắc kỹ về phương pháp thực hiện và tối ưu cho hoạt động này để tránh chồng chéo giữa các chương trình/dự án và tiết kiệm chi phí cho dự án.
Hoạt động quy hoạch cà phê cảnh quan tuy đã được triển khai nhưng chưa đạt yêu cầu do phương pháp tiếp cận về cà phê cảnh quan của các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cấp trung ương còn giới hạn ở mức độ canh tác, chưa tổng hợp được các yếu tố sinh thái, môi trường, văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh kế, chưa thống nhất với góp ý của Nhà tài trợ.
Giải ngân vốn tín dụng cho hợp phần lúa gạo đạt thấp do các doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay trong giai đoạn này. Trong khi đó, nhu cầu vốn tín dụng cho tái canh cà phê là rất cao. Hoạt động hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ ngành hàng lúa gạo và cà phê còn hạn chế, chưa thực hiện hiệu quả để giúp TCND/HTX nâng cao giá trị gia tăng.
Giải pháp nâng cao tiến độ và chất lượng dự án VnSAT
Các Cục/Vụ và các đơn vị HTKT của Bộ đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường hỗ trợ dự án thực hiện các hoạt động đáp ứng tiến độ, đồng thời hỗ trợ các địa phương trong liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm ngành hàng lúa gạo và cà phê.
Hàng tháng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương họp để chỉ đạo, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng thời rà soát cắt giảm các thủ tục thẩm định phê duyệt, củng cố tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bố trí kịp thời, đầy đủ vốn đối ứng cho các hoạt động như đã cam kết.
Văn Trì