BVR&MT – Chương trình nhân giống tê giác Sumatra trong điều kiện nuôi nhốt (được xem là cách khả thi duy nhất để cứu loài này khỏi sự tuyệt chủng) ở phía đông Borneo đi vào ngõ cụt khi mối quan hệ hợp tác giữa WWF và Bộ môi trường Indonesia kết thúc không mấy tốt đẹp.
Các nhà bảo tồn đã lên kế hoạch để bắt một cá thể tê giác Sumatra hoang dã (Dicerorhinus sumatlingsis) từ tỉnh Đông Kalimantan vào tháng 11/2019 để đưa đến một khu bảo tồn được các chuyên gia từ WWF Indonesia hỗ trợ. Tuy nhiên, kế hoạch bị hủy bỏ sau khi Bộ môi trường cắt đứt quan hệ với WWF vào tháng 10 (sự việc này chính thức được công bố vào tháng 1 năm nay).
WWF Indonesia đã tham gia vào việc bắt giữ hai cá thể tê giác hoang dã vào năm 2016 và 2018 tại tỉnh này. Cá thể đầu tiên đã chết vì những vết thương dai dẳng từ khi bị bắt. Cá thể thứ hai là Pahu được di chuyển thành công đến Khu bảo tồn Tê giác Sumatra (SRS) trong khu rừng bảo tồn Kelian ở Đông Kalimantan. Nhân viên WWF Indonesia đã hỗ trợ rất nhiều cho Pahu kể từ khi cá thể này được giải cứu.
Theo kế hoạch, quan hệ đối tác sẽ kết thúc vào năm 2023 nhưng Bộ môi trường đã viện dẫn các cáo buộc vi phạm thỏa thuận của WWF Indonesia để biện minh cho việc chấm dứt sớm.
Quyết định của Bộ có ảnh hưởng đến 30/130 dự án mà WWF Indonesia quản lý trên toàn quốc, trong đó có chương trình bảo tồn tê giác ở Đông Kalimantan.
Các nhóm bảo tồn và giới quan chức chính phủ đồng ý rằng việc nuôi nhốt những cá thể tê giác hoang dã bị cô lập là rất quan trọng để đảm bảo sự sống sót của loài cực kỳ nguy cấp này. Hầu hết những cá thể tê giác Sumatra hoang dã còn lại sống trong các nhóm bị phân mảnh quá nhỏ để có thể sinh sản tự nhiên với tốc độ bền vững dẫn đến lo ngại loài này sẽ tuyệt chủng nếu không có sự can thiệp của con người.
Các quần thể Sumatra và Borneo đã bị chia tách ra hàng nghìn năm và phát triển riêng biệt về mặt di truyền trong thời gian đó. Do đó, việc sinh sản giữa hai quần thể sẽ tăng cường sự đa dạng di truyền rất cần thiết cho chương trình nhân giống nuôi nhốt vốn từ trước đến nay vốn chỉ dựa vào các cá thể tê giác từ quần thể Sumatra.
WWF Indonesia đã tham gia vào các cuộc khảo sát thực địa để theo dấu tê giác hoang dã, tăng cường bảo vệ sinh cảnh của chúng, thiết lập khu bảo tồn an ninh cao tại Kelian cho chương trình nuôi nhốt, định vị và bắt tê giác từ tự nhiên. Số tiền WWF Indonesia đã chi hơn cho chương trình bảo tồn tê giác hợp tác ở Đông Kalimantan là 1 triệu USD.
WWF là người đồng sáng lập sáng kiến toàn cầu Sumatran Rhino Rescue vào tháng 9/2018 cùng chính phủ Indonesia, National Geographic Society, WCS, International Rhino Foundation và IUCN.
“WW WWF-Indonesia đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thực địa để cứu tê giác Sumatra”, Jon Paul Rodriguez, chủ tịch Ủy ban Sinh tồn Loài IUCN, khẳng định.
Nhật Anh (Theo Mongabay)