BVR&MT – Việc thiếu dữ liệu nghiêm trọng về số phận của động vật hoang dã được cứu khỏi buôn bán bất hợp pháp đặt ra các yêu cầu cao hơn về thông tin và trách nhiệm giải trình.
Năm 2013, các nhà chức trách tại sân bay chính của Băng Cốc bắt quả tang một đối tượng vận chuyển 54 cá thể rùa lưỡi cày cực kỳ nguy cấp từ Madagascar trong một chiếc vali. Việc thu giữ khoảng 10% quần thể hoang dã loài này đã được loan tin khắp thế giới. Tuy nhiên, những gì xảy ra với chúng sau đó thì không hề được chú ý, Jan Schmidt-Burbach, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về động vật hoang dã và phúc lợi động vật tại tổ chức World Animal Protection cho biết.
Thực tế khá phũ phàng: một nửa số rùa chết ngay sau khi được cứu – đây là điều vô cùng bất ngờ bởi theo Schmidt-Burbach, rùa là loài rất dẻo dai và lẽ ra chúng đã có thể sống sót; số còn lại được đưa đến một trung tâm cứu hộ của chính phủ Thái Lan, tuy nhiên số phận của chúng cũng rất hẩm hiu, chúng cùng một nhóm động vật khác biến mất bí ẩn với một vụ bị nghi là đánh cắp.
Kết cục buồn của 54 cá thể rùa minh họa hai trong số những vấn đề lớn nhất của cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã trái phép: sự khan hiếm các quy định đối xử với động vật sau khi chúng được giải cứu và thiếu dữ liệu trầm trọng về những gì xảy ra với chúng sau đó. Chính “sự thiếu minh bạch đối với động vật hoang dã bị tịch thu đã mở ra cánh cửa cho việc rửa tiền và xử lý không phù hợp”, Schmidt-Burbach nhấn mạnh.
Áp lực quốc tế nhằm giải quyết nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã đã gia tăng trong những năm gần đây nhưng sự gia tăng các vụ bắt giữ động vật hoang dã sống thành công cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng thường quá tải với các loài động vật, bao gồm cả những loài cần được chăm sóc đặc biệt hoặc nguy cấp.
Một bài báo gần đây trên tạp chí Động vật đã xem xét những điều xảy ra với những động vật sau khi được giải cứu và tại sao. Khu vực nghiên cứu tập trung vào Đông Nam Á, nơi được coi là điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã. Các nhà nghiên cứu nhận thấy động vật hoang dã bị buôn bán trái phép thường không được xử lý theo cách có lợi nhất cho động vật do sự kết hợp của tham nhũng, lạm dụng và thiếu chính sách, kinh phí, chuyên môn và năng lực.
Nhà khoa học bảo tồn Shannon Noelle Rivera, tác giả chính bài báo cho biết: “Đúng vậy, về cơ bản chúng đã được giải cứu “nhưng bắt giữ không có nghĩa là phải giải cứu bằng bất kỳ phương tiện nào và rất nhiều lần chúng chết ngay trong quá trình giải cứu”.
Nếu xử lý đúng cách, một số loài có thể được đưa trở lại môi trường tự nhiên của chúng và giúp bổ sung vào quần thể các loài đang bị đe dọa. Tuy nhiên, dường như chúng thường bị nuôi nhốt trong các trung tâm thiếu chuyên môn, kinh phí hoặc không có ý chí chăm sóc chúng đúng cách.
Nhiều khi những cá thể bị tịch thu lại quay trở lại đúng chu trình buôn bán động vật hoang dã, phần vì một số quan chức tham nhũng đã bán chúng trở lại thị trường động vật hoang dã bất hợp pháp, phần vì do thiếu nguồn lực chăm sóc nên có khi động vật được thả hàng loạt dù môi trường có thể phù hợp hoặc không.
Theo nghiên cứu của Rivera, một lượng lớn thằn lằn, rắn và chim đang được thả một cách bừa bãi và không được sống trong môi trường bản địa của chúng. Điều này có thể khiến các loài đối diện với nguy cơ bị chết, trở thành loài xâm lấn, lấn át hệ sinh thái hoặc truyền bệnh cho các loài động vật khác cùng con người.
Những biến tướng của việc xử lý hậu giải cứu
Các nhà nghiên cứu khác nhận xét mặc dù bài báo giới hạn ở Đông Nam Á nhưng lại đang phản ánh vấn đề toàn cầu.
Mặc dù Công ước CITES hướng dẫn chi tiết về việc xử lý động vật được giải cứu với 3 lựa chọn gồm việc đưa chúng trở về trạng thái hoang dã, nuôi nhốt hoặc áp dụng cái chết nhân đạo, tuy nhiên, việc theo dõi các quốc gia thực thi điều này rất khó khăn. Một nghiên cứu năm 2016 cho biết có đến 70% quốc gia ký Công ước không cung cấp bất kỳ dữ liệu nào về việc xử lý động vật trong báo cáo buôn bán động vật vì họ không bắt buộc phải làm vậy vào thời điểm đó. Năm 2018, CITES bổ sung 01 lựa chọn cứu hộ động vật hoang dã nhưng vẫn không bắt buộc, và nghiên cứu gần đây chỉ ra 32% các nước ký Công ước nộp các báo cáo bắt buộc.
Rivera cho biết một khi động vật bị buôn bán, nó thường bị coi là mất mát để bảo tồn. Nhiều loài động vật kết thúc bằng nhiều hình thức nuôi nhốt với chất lượng chăm sóc rất khác nhau. Một số địa điểm tự cho mình là khu bảo tồn thực sự nhưng sự thực thì không hơn chút nào các điểm du lịch được che đậy mong manh hoặc phụ thuộc vào nguồn tiền tài trợ du lịch – điều này có thể tạo ra một chu kỳ nuôi nhốt động vật vĩnh viễn. Nguồn gốc của những động vật này cũng thiếu minh bạch, thậm chí một số cơ sở còn liên quan đến việc buôn bán trái phép động vật hoang dã, trong đó việc cố gắng tìm hiểu nơi mà những cơ sở này đang đưa động vật vào là điều vô cùng khó khăn.
Rivera cho rằng để cứu vãn tình hình, ngoài việc củng cố luật pháp, cần sự hỗ trợ về chính trị, giảm nhu cầu tiêu dùng, quản lý việc thu giữ động vật và hợp tác toàn cầu. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu tâm đến việc cấp phép, kiểm tra, giám sát tại các trung tâm cứu hộ.
Chuyên gia nghiên cứu động vật hoang dã tại World Animal Protection D’Cruze cũng đồng ý rằng bất kỳ trung tâm chăm sóc nào cũng phải có các nguyên tắc nghiêm ngặt để đảm bảo đó là những khu bảo tồn thực sự và là nơi chăm sóc trọn đời cho động vật, không chụp ảnh tự sướng hay ôm ấp con non, không biểu diễn hay thực hiện các hành vi trái tự nhiên, không xích động vật.
Sự phức tạp của việc tái thả
Trong trường hợp có thể, một con vật được giải cứu khỏi nạn buôn bán động vật hoang dã tất yếu nên được trả về môi trường sống bản địa. Tuy nhiên, việc thả một con vật bị buôn bán sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc tìm kiếm một bãi đất trống hoặc một khu rừng. Những động vật này thường bị thương, suy dinh dưỡng hoặc mất nước hoặc chúng có khả năng tiếp xúc với mầm bệnh từ các loài trước đó, vì vậy đòi hỏi cần phải yêu cầu kiểm dịch hoặc chăm sóc thú y chuyên biệt, đắt đỏ, đòi hỏi chuyên môn và cam kết từ các chính phủ.
D’Cruze cho rằng “nay cả khi có chuyên môn và kinh phí, rào cản lớn nhất tiếp theo là làm đúng cách và giảm thiểu rủi ro gây hại cho các quần thể hoang dã. Điều này bao gồm sự giảm thiểu phơi nhiễm bệnh tật của các loài động vật khác và tái thả động vật ở những khu vực có đủ lãnh thổ để chúng duy trì quần thể. Ngoài ra, một số loài động vật nuôi nhốt không thể tự chăm sóc trong tự nhiên, chúng có thể trở thành động vật gây phiền toái hoặc dễ bị săn bắt trở lại.
Một câu chuyện thành công có thể kể tới là sự hợp tác của Liên minh động vật hoang dã và chính phủ Campuchia để tạo ra một quy trình cho động vật từ khi bị tịch thu đến khi được tái thả hoặc chăm sóc suốt đời. Việc tái sinh các loài động vật bản địa quanh di sản đền Angkor Wat là “một câu chuyện thành công tuyệt vời”. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ động vật từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã có thể được thả ở đó, cựu giám đốc khoa học của tổ chức phi chính phủ Thomas Gray cho biết.
Cũng theo Gray, trong nhiều năm, hàng nghìn cá thể rắn, rùa và các loài bò sát khác đã được Liên minh và chính phủ Campuchia thả vào tự nhiên. Tuy nhiên, không có thông tin sau khi tái thả về việc liệu chúng có sống sót hay không và những ảnh hưởng nào từ chúng nếu có tác động đến chính môi trường của chúng.
Chúng tôi giả định rằng chúng đang sống sót, rằng chúng tôi đang đưa chúng trở lại đúng nơi về mặt sinh thái và chúng không có tác động đến hệ sinh thái của những nơi chúng được thả. Và tôi nghĩ đó là tất cả các giả định an toàn nhưng không có dữ liệu nào hỗ trợ điều đó”.
Rivera cho rằng phần lớn gánh nặng để quản lý kết quả của việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thuộc về các quốc gia nơi những động vật này bị thu giữ hoặc là điểm xuất phát của động vật. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường đối với những sản phẩm này lại đến từ những nơi khác. Theo nghiên cứu gần đây, các quốc gia giàu có chính là “thủ phạm” thúc đẩy hoạt động thương mại bất hợp pháp này – những quốc gia vốn được gọi là WEIRD (phương Tây, giáo dục, công nghiệp hóa, giàu có và dân chủ). Thị trường lớn nhất cho đến nay là Mỹ, theo sau là Pháp và Ý. Đó là lý do tại sao một trong những khuyến nghị của Rivera là cần sự tham gia của toàn cầu vào việc quản lý các vụ bắt giữ, đặc biệt là khi quốc gia nguồn hoặc các quốc gia can thiệp không có đủ nguồn lực. “Chúng ta không thể chỉ giao việc này cho các quốc gia đang thực hiện nhiều vụ bắt giữ nhất hoặc các quốc gia có nhu cầu buôn bán động vật hoang dã nhiều nhất”.
D’Cruze đồng ý với điều này. Nếu các quốc gia cho phép nhập khẩu và buôn bán hợp pháp động vật ngoại lai thì cũng nên hỗ trợ việc quản lý hậu quả, nhất là khi buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp cùng có liên quan, chẳng hạn động vật bị săn trộm được “biến hóa” thành động vật nuôi hợp pháp.
Tâm An (Theo therevelator.org)