Đông Nam Á nên tận dụng cuộc cách mạng năng lượng tái tạo

BVR&MT – Năng lượng gió và mặt trời có thể cung cấp nguồn điện dồi dào cho các nước Mê Kông trong khi tránh được điểm bùng phát nguy hiểm cho dòng sông hùng vĩ này.

Việc xây dựng các con đập ở Mê Kông đẩy dòng sông vốn là ngư trường cá nước ngọt lớn nhất thế giới tới điểm bùng phát dù cuộc cách mạng năng lượng để cứu rỗi hiểm họa này đã bắt đầu.

Tháng 7, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) họp thượng đỉnh trực tuyến về chuyển đổi năng lượng sạch, thu hút đại diện cấp cao trên khắp thế giới tham dự. Mục tiêu rất rõ ràng: đảm bảo đầu tư cho năng lượng giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 nhất quán với các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Tiến thêm bước nữa, các chính phủ và định chế quốc tế cũng nên đảm bảo rằng đầu tư phục hồi nhất quán với bảo vệ các dòng sông như Mê Kông.

Sản lượng cá ở Mê Kông giảm với tốc độ báo động, vùng ĐBSCL sạt lở, đe dọa đến một trong những vựa lúa quan trọng nhất châu Á và cả 20 triệu người Việt Nam sinh sống ở đó. Nguyên nhân chính là chuỗi đập xây dựng dọc theo dòng chính cũng như các dòng nhánh ở Trung Quốc và Lào trong thập kỷ qua. Dù thủy điện mang lại nguồn điện năng carbon thấp, các con đập này làm thay đổi dòng chảy, chặn luồng cá di cư và giữ lại dòng trầm tích cần thiết cho đồng bằng. Mực nước thấp kỷ lục trên sông Mê Kông hiện nay thổi bùng lên cuộc tranh cãi về các đập của Trung Quốc và tác động từ khâu vận hành đến dòng chảy sông.

Nhưng hàng loạt sáng kiến ngày nay làm giảm giá thành quang năng và phong năng chiếm được tỷ lệ cao hơn trên lưới điện. Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo có nghĩa là các quốc gia lưu vực Mê Kông có được giải pháp rẻ tiền, hàm lượng carbon thấp thay thế cho thủy điện.

Vậy tại sao vẫn phải lên kế hoạch xây dựng thêm nhiều con đập nữa trên sông Mê Kông?

Lào đã hoàn thành 2 con đập trên dòng chính và đáng xúc tiến thêm 2 đập nữa. Đầu năm nay, chính phủ Lào thông báo với MRC về ý định bắt đầu xây dựng một con đập ở ngay cố đô và di sản thế giới Luang Prabang. Vào tháng 5, nước này lại thông báo với MRC ý định xây thêm một đập nữa ở ngay biên giới với Thái Lan.

Các con đập được đề xuất không phải để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện nội địa mà để xuất khẩu năng lượng sang các nước láng giềng như Việt Nam, Thái Lan và là một phần nền móng tầm nhìn của Lào để trở thành “cục pin của Đông Nam Á”.

Nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận, ảnh chụp tháng 1/2020. (Ảnh: Alamy)

Liệu có người mua?

Để có nguồn tài chính, nhà phát triển đập thường phải đảm bảo ký được hợp đồng với bên mua điện. Vì thế, quyết định của nước mua ở khu vực Mê Kông đóng vai trò sống còn trong việc cứu được dòng sông.

Điều đáng nói là các nước này đang hứng chịu hệ lụy từ thủy điện. Một công ty dầu khí của Việt Nam tham gia đầu tư vào đập Luang Prabang, truyền thông trong nước yêu cầu công ty này cân nhắc quyết định. Hơn nữa, chính phủ Việt Nam tận dụng vai trò chủ tịch ASEAN 2020 để nêu bật lên những quan ngại về thủy điện thượng nguồn.

Trong khi đó Điện lực Thái Lan (EGAT) vốn có ý định mua điện tư đập Pak Beng đã dừng kí thỏa thuận mua bán để cân nhắc thêm 2 năm. EGAT hiện đang theo đuổi một chương trình phát triển điện mặt trời đầy tham vọng.

Điểm mấu chốt với năng lượng tái tạo

Nếu các khách hàng tiềm năng của thủy điện cân nhắc khả năng khác thì sẽ tác động thế nào đến sự phát triển của Lào khi xuất khẩu thủy điện được coi là trụ cột phát triển của quốc gia này? Giải pháp gợi ý là thay việc xuất khẩu thủy điện không lợi lộc gì bằng điện mặt trời ngày càng cạnh tranh hơn, theo các nghiên cứu gần đây của Đại học Berkeley. Lào cũng mới tuyên bố xây dựng một dự án điện mặt trời nổi công suất 1200 MW ở một hồ chứa.

Ngoài xuất khẩu điện, Lào có thể học theo những quốc gia ít dân và giàu có tài nguyên thiên nhiên như Costa Rica và Bhutan: đầu tư vào du lịch dự trên thiên nhiên để có nguồn thu chủ yếu. Mới đây, tờ New York Times cho biết Luang Prabang là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch nhất thế giới và một con đập lớn ở thượng nguồn sẽ lấy đi vẻ đẹp quyến rũ của thành phố này.

Các nước láng giềng của Lào cho thấy tiềm năng năng lượng tái tạo có thể được hiện thực hóa nhanh đến thế nào. Công suất điện mặt trời của Việt Nam năm 2018 chỉ 134 MW nhưng đã tăng gấp 40 lần lên 5.500 MW vào cuối 2019.

Đầu tư vào năng lượng mặt trời tăng nhanh ở Campuchia, một phần để ứng phó với tình trạng thiếu điện do hạn hán ảnh hưởng tới thủy điện – càng tô đậm thêm ưu thế của năng lượng mặt trời. Các công trình điện mặt trời có thể phát triển nhanh chóng nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt điện trong khi thủy điện Mê Kông cần nhiều năm mới xây dựng xong và có nguy cơ không thể phát điện khi hạn hán.

Tình trạng bất định đang tăng do biến đổi khí hậu và hạn hán là một phần nguyên nhân khiến chính phủ Campuchia tuyên bố vào tháng 3 sẽ hoãn xây đập 10 năm trên sông Mê Kông, đồng thời tiến hành xây dựng và vận hành một dự án điện mặt trời đạt mức chi phí phát điện thấp kỷ lục ở Đông Nam Á.

Tuyên bố trì hoãn này có nghĩa là Campuchia dừng xây dựng đập Sambor vốn bị giới khoa học coi là gây ra tác động lớn nhất tới các cộng đồng và ngành thủy sản sông Mê Kông.

Tuy nhiên, các quyết định chính trị (thường bị các nhóm lợi ích lợi dụng tình trạng quản trị yếu kém để tác động) sẽ dễ dàng áp đảo những dự án phát triển đầy hứa hẹn nhưng mong manh này và cho phép các con đập được xúc tiến.

Con đường bền vững

Vậy bước đi nào sẽ đưa Đông Nam Á đi trên con đường bền vững hướng tới dòng Mê Kông khỏe mạnh nhưng vẫn dồi dào năng lượng có mức độ carbon thấp?

Thứ nhất, như Thái Lan đã thực hiện, các quốc gia lưu vực Mê Kông nên cập nhật quy hoạch điện, cân nhắc kỹ lưỡng về lợi thế của điện mặt trời và điện gió so với thủy điện, nhất là chi phí thấp và giảm được xung đột với các cộng đồng và hệ sinh thái.

Thứ hai, chính sách ở nhiều nước cần được cập nhật để phản ánh được cuộc cách mạng tái tạo. Nghiên cứu gần đây về hệ thống điện của khu vực cho thấy hợp tác, minh bạch và chia sẻ dữ liệu sẽ tăng độ linh hoạt của lưới điện, cho phép điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ lệ lớn hơn.

Những hành động này nên được các định chế tài chính quốc tế như WB và ADB ưu tiên. Các định chế này có thể đầu tư trực tiếp để giúp Lào đa dạng hóa tầm nhìn về phát triển vượt khỏi cái gọi là “cục pin của Đông Nam Á”. Những chương trình của chính phủ Hoa Kỳ như Asia EDGE cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho năng lượng tái tạo và thúc đẩy đầu tư.

Điều quan trọng là Trung Quốc phải tăng cường chia sẻ dữ liệu về dòng chảy sông và vận hành đập để giúp các chính phủ hạ nguồn quản lý hạn hán. Hơn nữa, Trung Quốc có thể tận dụng chuyên môn của mình trong việc cấp vốn và chuyển giao các dự án điện mặt trời – nước này dẫn đầu toàn cầu về cả sản xuất và lắp đặt – để thúc đẩy việc mở rộng năng lượng mặt trời ở khu vực Mê Kông thông qua các khoản đầu tư và chương trình hợp tác song phương. Những bên được hưởng lợi từ dòng sông Mê Kông khỏe mạnh cần tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác động đã và đang trở thành hiện thực cũng như những tác động vẫn có thể tránh được.

Với rất nhiều nguy cơ như thế, hà cớ Đông Nam Á không tham gia vào cuộc cách mạng tái tạo?

Thế Anh (Theo chinadialogue)