BVR&MT – Đánh giá hoạt động buôn bán bất hợp pháp tại Đông Nam Á từ năm 2000 đến nay, Báo cáo mới của TRAFFIC khẳng định khu vực này cần xúc tiến kế hoạch giải quyết vấn nạn ngày càng tăng về tội phạm động bật hoang dã.
Báo cáo nêu bật vai trò quan trọng của các chính phủ trong việc giải quyết các lỗ hổng chính sách và thực thi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các lý do chính khiến vấn nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn chưa thuyên giảm gồm luật pháp không đầy đủ, tỷ lệ kết án kém và chế tài thị trường kém khiến tội phạm xuyên biên giới tồn tại trong khu vực.
TRAFFIC cho biết 10 quốc gia Đông Nam Á đều đóng vai trò là nguồn, nơi tiêu dùng hoặc điểm trung chuyển động vật hoang dã từ nội bộ khu vực và các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt, khu vực này đang phải đối mặt với toàn bộ các thách thức toàn cầu trong quản lý đa dạng sinh học và buôn bán động vật hoang dã.
Báo cáo phân tích hàng ngàn vụ bắt giữ thành công, theo đó phát lộ những con số đáng báo động liên quan đến buôn bán động vật hoang dã.
Chẳng hạn, trong khoảng thời gian 2000-2019, ước tính khoảng 895.000 cá thể tê tê bị buôn bán trên toàn cầu, trong khi đó hơn 96.000 kg vảy đã bị bắt giữ ở Malaysia, Singapore và Việt Nam từ năm 2017 đến 2019, tương đương 94% tổng khối lượng vảy bị tịch thu suốt giai đoạn này.
Báo cáo cũng cho biết hơn 200 tấn ngà voi châu Phi, 100.000 cá thể rùa mũi to và hơn 45.000 cá thể chim hoét đã bị bắt giữ trong khu vực trong 19 năm qua.
TRAFFIC cũng chỉ ra rằng những dữ liệu này chỉ cho thấy một phần nhỏ quy mô thực sự của buôn bán động vật hoang dã vì các vụ bắt giữ chỉ đại diện cho những vụ buôn lậu được ngăn chặn thành công. Ngoài ra, các hệ thống phức tạp và mơ hồ để điều tiết thương mại cũng bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng pháp lý.
Giám đốc TRAFFIC Đông Nam Á Kanitha Krishnasamy cho biết: “Không ngày nào không xảy ra một vụ bắt giữ động vật hoang dã ở Đông Nam Á. Chắc chắn các vụ bắt giữ là đáng khen ngợi nhưng thứ phải xóa bỏ là các tác nhân thúc đẩy thương mại bất hợp pháp”.
Bất cập trong luật pháp quốc gia, tỷ lệ truy tố thấp và tham nhũng tràn lan vẫn là yếu tố tạo thuận lợi cho buôn lậu.
Chế tài kém về buôn bán động vật hoang dã hợp pháp cũng là một phần của vấn đề, trong khi các thị trường trực tuyến bất hợp pháp, chẳng hạn như trên các phương tiện truyền thông xã hội, cũng nở rộ trong thập kỷ qua.
Tại Philippine, báo cáo của TRAFFIC thống kê nhiều vụ bắt giữ động vật nguy cấp (và các sản phẩm từ động vật), trong đó nhiều nhất là ngà voi.
Báo cáo cũng ghi nhận động vật hoang dã Indonesia thường xuyên bị buôn bán làm thú cưng cũng như các hoạt động rửa sạch nguồn gốc động vật hoang dã cho thương mại quốc tế.
Để giải quyết nạn buôn lậu trong khu vực, TRAFFIC cho biết chính phủ các nước Đông Nam Á và đối tác nên hợp tác để đồng bộ luật pháp quốc gia, tăng hình phạt, xác định rõ để đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã.
Nhật Anh (Theo Inquirer)