Động lực thoát nghèo của người dân miền núi Tân Uyên

BVR&MT – Thời gian qua, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo, đề án nâng cao nhận thức pháp luật giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển kinh tế, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập, đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng và môi trường.

Huyện Tân Uyên có tọa độ địa lý phía Bắc giáp huyện Tam Đường; phía Nam giáp huyện Than Uyên; phía Đông giáp huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai); phía Tây giáp huyện Sìn Hồ. Huyện có 10 đơn vị hành chính, gồm 1 thị trấn Tân Uyên và 9 xã: Phúc Khoa, Mường Khoa, Trung Đồng, Thân Thuộc, Pắc Ta, Hố Mít, Tà Mít, Nậm Cần, Nậm Sỏ. Dân số toàn huyện có trên 57.130 người, mật độ dân số 63,67 người/km². Trong đó: dân tộc Thái chiếm 49,1%, dân tộc Mông chiếm 16,2%, dân tộc Kinh chiếm 15,4%, dân tộc Khơ Mú chiếm khoảng 9,3%, còn lại các dân tộc khác.

Nâng cao ý thức tự thoát nghèo

Cây chè giúp nhiều hộ dân ở Tân Uyên có thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân, đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Tân Uyên từng bước nâng cao ý thức, vươn lên thoát nghèo. Người dân bước đầu chuyển hình thức tự cung tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả như: trồng chè, mắc ca, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản dưới lòng hồ thủy điện…

Ông Tòng Văn Đỉnh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Uyên cho biết, các chính sách hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Nhờ vậy, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã ổn định hơn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, dự ước hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng. Điều này góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 39,3% năm 2016 xuống còn 9,37% năm 2019. Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2018, Tân Uyên được thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 8 huyện trên cả nước được xét thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020.

Gia đình anh Lò Văn Chiến, bản Nậm Bon, xã Mường Khoa trước đây thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn. Được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư trồng chè. Chưa dừng lại ở đó, anh tận dụng các chính sách hỗ trợ tiếp tục vay vốn 100 triệu để đầu tư nuôi trâu, bò, dê; năm 2020 anh cũng được nhận hỗ trợ hơn 200 gốc chanh leo để trồng. Từ đó, giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Đến nay, đời sống kinh tế gia đình anh ngày được cải thiện, trở thành hộ khá giả trong bản.

Hiệu quả lồng ghép các chương trình

Tân Uyên là huyện miền núi của tỉnh Lai Châu, với 4/9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 10 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 87%. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều và tập quán canh tác còn lạc hậu.

Trước thực trạng trên, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Tân Uyên đã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn như: Chính sách giáo dục, y tế, nhà ở; chương trình 30a, chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2021″… Những chính sách, chương trình này là động lực giúp người dân Tân Uyên vươn lên thoát nghèo, hiểu biết và nâng cao nhận thức về pháp luật, tích cực bảo vệ rừng và môi trường.

Nhân dân bản Hô Be (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) chăm sóc, bảo vệ rừng.

Tân Uyên cũng là một trong các huyện của tỉnh Lai Châu với vị trí đầu nguồn sông Đà, có tổng diện tích tự nhiên trên 89.000ha, đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp trên 63.000ha, chiếm 70% diện tích tự nhiên; đất trống, đồi núi trọc gần 35.000ha cộng với nguồn lao động dồi dào là thế mạnh của huyện để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đặc biệt là nơi sinh thủy cung cấp nước cho các công trình thủy điện lớn như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát và nhiều công trình thủy lợi phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; đồng thời là vùng đệm của vườn quốc gia Hoàng Liên.

Nhận thức rõ vai trò lợi ích của rừng, 5 năm qua, Đảng bộ huyện Tân Uyên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả khá quan trọng. Các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng được triển khai thực hiện có hiệu quả như: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững; huyện bước đầu hình thành các khu rừng trồng tập trung và một số vùng nguyên liệu; các cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng được triển khai kịp thời. Điều quan trọng là phải quan tâm đến lợi ích kinh tế cho người dân sống ở vùng có rừng. Lồng ghép cơ chế chính sách của các chương trình, dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển rừng có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Phát huy hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nguồn thu nhập từ chính sách này đầu tư cho phát triển sản xuất, bảo đảm bền vững và ổn định lâu dài.

Thời gian tới, huyện Tân Uyên tiếp tục huy động lồng ghép các nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên cơ sở tăng định mức và mở rộng đối tượng thụ hưởng; nâng cao ý thức tự thoát nghèo của các hộ nghèo, tích cực phát triển sản xuất gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đồng thời, tập trung giúp đỡ hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, cải thiện nhà ở… và nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Hải Sơn