BVR&MT – Theo báo cáo mới được TRAFFIC công bố ngày 3/9 mang tên “Counter wildlife trafficking digest: Southeast Asia and China, 2019” (Tạm dịch: “Tài liệu về chống buôn bán động vật hoang dã: Đông Nam Á và Trung Quốc, 2019”), động lực buôn lậu ĐVHD ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đã thay đổi trong năm 2019.
Báo cáo nêu bật những tiến triển quan trọng trong luật bảo tồn, phác thảo một số dự án nghiên cứu và chiến dịch sáng tạo về truyền thông thay đổi hành vi xã hội (SBCC), đồng thời xem xét các vụ bắt giữ động vật hoang dã bất hợp pháp được thực hiện trên khắp Đông Nam Á và Trung Quốc trong năm 2019. Báo cáo được xây dựng dựa trên những nghiên cứu trước đó đã thực hiện ở cùng khu vực vào năm 2017 và 2018.
Trong số những thay đổi pháp lý thú vị năm 2019, nổi bật nhất là việc Thái Lan trình lên Đạo luật Bảo tồn và Bảo vệ Động vật Hoang dã B.E. 2562 (2019). Bộ luật mang tính bước ngoặt đã đưa ra danh mục mới cho các loài phi bản địa, được Công ước CITES liệt kê là “được kiểm soát”, đồng thời tăng nặng hình phạt tối đa đối với những hành vi vi phạm liên quan đến các loài được liệt kê trong Đạo luật. Điều này thể hiện bước tiến quan trọng trong việc tăng cường pháp luật thiết yếu đối với việc thực thi và ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã, nêu gương cho nhiều quốc gia học tập và làm theo.
Cũng theo báo cáo, năm 2019 ghi nhận 82 vụ bắt giữ tê tê được thực hiện tại hoặc dính dáng đến các quốc gia đầu mối với tổng khối lượng 155.795 kg. Con số này cao hơn hẳn năm 2018, một phần do nguồn dữ liệu có sẵn nhiều hơn vào năm 2019. Ethiopia đến Trung Quốc là tuyến đường được giới buôn lậu tê tê sử dụng nhiều trong năm này, còn Việt Nam được cho điểm đến cuối cùng phổ biến nhất.
Trong 5 quốc gia mục tiêu được đề cập trong báo cáo (Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia), có tổng cộng 552 kg sản phẩm từ hổ bị thu giữ trong năm 2019 cùng với các mặt hàng không được ghi nhận trọng lượng và cả 98 chai rượu hổ cốt. Con số này cũng cao hơn đáng kể năm 2018. Đặc biệt, Việt Nam được xác định là quốc gia trọng điểm buôn lậu các bộ phận của hổ trước khi tuồn sang Trung Quốc. Một phát hiện đáng lo ngại là một số vụ việc liên quan đến các sản phẩm từ xương hổ được đưa từ Nam Phi đến Hồng Kông.
Về voi, có tổng cộng 380 vụ bắt giữ các sản phẩm từ voi với 48.217 kg ngà, được ghi nhận trong năm 2019 ở 5 quốc gia mục tiêu. Ngoài ra, 60 kg da voi và một lượng chưa xác định gồm xương, lông voi cũng bị thu giữ. Con số này tăng gấp bốn lần năm 2018.
Đáng chú ý là hoạt động buôn lậu động vật hoang dã trực tuyến ngày càng bùng nổ. Một phát hiện quan trọng khác là số lượng lớn các vụ bắt giữ diễn ra trên tuyến đường buôn bán ngà voi từ Nhật Bản đến Trung Quốc.
Với tê giác, có tổng cộng 34 vụ bắt giữ các sản phẩm tê giác với 519 kg diễn ra tại hoặc có liên quan đến các nước đầu mối. Theo báo cáo, con số này là “chỉ dấu cho thấy xu hướng săn trộm và nhu cầu về sừng tê giác có thể gia tăng”. Một lần nữa, Việt Nam lại nổi lên như một quốc gia nổi bật về buôn lậu và nhu cầu sử dụng sừng tê giác, đồng thời là một phần quan trọng của tuyến đường đưa hàng sang Trung Quốc.
Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị cho cộng đồng chống buôn bán động vật hoang dã theo hướng bao quát hơn, tập trung vào thay đổi hành vi xã hội, cải thiện thực thi pháp luật, tăng cường cam kết của các chính phủ, ý chí chính trị và phối hợp hiệu quả ở cấp khu vực.
Thế Anh (Theo TRAFFIC)