BVR&MT – Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên các đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%, có 6 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), trong đó có 4 xã ATK. Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, những chính sách về công tác dân tộc cũng đã được huyện quan tâm thực hiện tốt. Nhờ đó, đời sống của người dân trên địa bàn nói chung, của bà con vùng đồng bào dân tộc nói riêng đã có những bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn huyện giảm 3,61%, riêng các xã đặc biệt khó khăn và ATK giảm bình quân trên 6% giai đoạn 2016 – 2020.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 – 2020. Những năm qua, Thái Nguyên đã thực hiện tuyên truyền đến đồng bào DTTS về chính sách giao khoán bảo vệ rừng, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên.
Trong đó phổ biến kiến thức đến đồng bào DTTS biết được mức hỗ trợ cho người dân thực hiện khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng khoanh nuôi tái sinh là 400.000 đồng/ha/năm; trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng cho các gia đình nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế khó khăn.
Vừa qua, ngày 8/9, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng huyện Đồng Hỷ phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức tập huấn tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn cho 80 học viên là lãnh đạo xã, thành viên Ban lâm nghiệp, Tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và các chủ rừng trên địa bàn. Phổ biến kiến thức nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Tìm hiểu chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đối tượng chi trả và những quy định về quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Năm 2020, huyện Đồng Hỷ có kế hoạch tuyên truyền người dân trồng mới trên 1 nghìn ha rừng sản xuất, trong đó 650 ha rừng theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được tỉnh hỗ trợ cây giống, phân bón. Đối với chương trình trồng rừng thay thế, năm 2019, 2020, huyện Đồng Hỷ được hỗ trợ trồng cây giổi xanh với diện tích gần 90 ha tại xã Văn Lăng, Cây Thị, có 52 hộ dân tham gia. Người dân được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha gồm trồng và chăm sóc trong 4 năm.
Để phát triển mô hình chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, xác định công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, các đơn vị đã chủ động phối hợp, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nhân dân về canh tác trồng rừng gỗ lớn, tuyên truyền đến người dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số về lợi ích, giá trị của cây gỗ lớn, góp phần tích cực thực hiện chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững tới đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020.
Văn Trì