BVR&MT – Quảng Nam hiện là tỉnh có quy mô và mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Nhưng hơn 20 năm về trước, Quảng Nam là một tỉnh thuần nông, chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 27,35%.
Thế nên, câu chuyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế giảm nghèo bền vững là cả một hành trình gian nan và tâm huyết của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự chung tay, đồng lòng của hệ thống chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Quảng Nam.
Về xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, vẫn còn đó dư âm hào hùng của căn cứ địa cách mạng. Dãy Trường Sơn hùng vĩ là nơi an toàn bao bọc cho cách mạng ngày ấy, song lại là thách thức đối với người dân trong phát triển kinh tế thời bình khi giao thông khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn duy trì tập quán “tự cung, tự cấp”, sản xuất nhỏ.
Công việc hỗ trợ người dân giảm nghèo của Ngân hàng CSXH vì thế chỉ có thể thực hiện hiệu quả với việc phát huy tốt phương thức quản lý vốn riêng có, cùng sự vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn và hệ thống điểm giao dịch xã. Đặc biệt từ sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào đời sống đã tạo sinh khí mới cho hoạt động tín dụng chính sách với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm thôn 1, xã Trà Tân Đinh Văn Hoàng cho biết: Thôn 1 những năm đầu 2000 có 100% là hộ nghèo, trong đó 85% số gia đình thiếu đói giáp hạt. Bản thân anh cũng từng là hộ nghèo trước năm 2008, cho đến khi được chính quyền và Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My cho vay vốn chính sách để trồng keo, chăn nuôi bò.
Tuy nhiên, con đường giảm nghèo không dễ dàng, trải qua cả chục năm với nhiều vòng quay từ vốn vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, rồi đến hộ mới thoát nghèo. Chính từ sự trải nghiệm và thấu hiểu ấy cho nên khi nhận bàn giao vị trí Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn 1, công tác tuyên truyền và vận động người nghèo và đối tượng chính sách khác tham gia vay vốn làm kinh tế luôn được anh Hoàng đặt lên hàng đầu. Đến nay, tổ có 75% số hộ thoát nghèo và không phát sinh hộ tái nghèo. Nhiều hộ nghèo ổn định kinh tế, là tấm gương vượt khó điển hình của xã.
Từ nỗ lực của các tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn cùng sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội cấp xã trong việc tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác; người dân từng bước phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng của địa phương, đưa Trà Tân bước qua đói nghèo, trở thành xã nông thôn mới vào năm 2018.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ khôi phục sản xuất, góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Cơ sở chế biến trà nhài Best One của chị Bùi Thị Tuyết Nhung ở phố Phú Trung, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ ra đời tháng 9/2019 trước thời gian dịch Covid-19 bùng phát.
Được Ngân hàng CSXH thành phố Tam Kỳ xem xét cho vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, đã giúp Best One có nguồn lực tài chính, không bị gián đoạn sản xuất trong dịch, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định 5,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tạo thêm thu nhập cho nông dân ở vùng nguyên liệu.
Những minh chứng nêu trên chỉ là một vài điểm nhấn trong hành trình 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác của chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam. Từ hai chương trình tín dụng ban đầu nhận bàn giao năm 2003, đến nay, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách với hơn 805 nghìn lượt hộ vay vốn, doanh số cho vay đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn chính sách đã giúp gần 8 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 243 nghìn lao động (gần 3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); xây dựng hơn 251 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 20 nghìn nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng hơn 1 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP…
Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh, giảm số xã thuộc vùng khó khăn từ 116 xã vào cuối năm 2007 xuống còn 59 xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001-2005 từ 23,27% xuống 10,94%; giai đoạn 2005-2010 từ 30,29% xuống 12,21%; giai đoạn 2011-2015 từ 24,18% xuống 10,03%; giai đoạn 2016-2021 giảm từ 12,9% xuống còn 4,4% cuối năm 2021.
Đến nay, tổng dư nợ của chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam đạt hơn 6.163 tỷ đồng, tăng hơn 5.900 tỷ đồng (tăng 30 lần) so với cuối năm 2002, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 19,46% với gần 164 nghìn hộ còn dư nợ. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp.
Tuy nhiên, con đường giảm nghèo bền vững phía trước không ít chông gai. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 chỉ còn 4,4%, song thực tế cho thấy, phần đông hộ nghèo thuộc lõi nghèo, tập trung phần lớn ở các huyện miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Quảng Nam là vùng thường xuyên ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, lũ lụt, nhất là từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, cũng như hoạt động tín dụng chính sách bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách dù vẫn tăng hằng năm, nhưng so với nhu cầu thực tế của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn hạn chế. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW là hơn 413 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt hơn 487 tỷ đồng.
Cùng với nguồn đối ứng từ Ngân hàng CSXH vẫn chưa đáp ứng việc duy trì và mở rộng việc làm cho các đối tượng thụ hưởng, nhất là người lao động tại các xã đã ra khỏi vùng khó khăn, phụ nữ, thanh niên lập nghiệp,…
Để giải quyết vấn đề này, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam đã đặt mục tiêu cho giai đoạn tới, bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng CSXH cung cấp.
Phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ bình quân từ 8-10%/năm; tiếp tục tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH tăng tối thiểu 20%. Chi nhánh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm cân đối nguồn vốn phù hợp, đáp ứng đủ để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét ban hành cơ chế tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình nhằm góp phần tạo điều kiện cho đối tượng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế, ổn định đời sống; cân đối, bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng cho Ngân hàng CSXH theo kế hoạch xây dựng, nhất là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm.