BVR&MT – Sau 16 năm đón đồng bào di dân tái định cư thủy điện Sơn La từ huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) về nơi ở mới ở huyện Mai Sơn (Sơn La), đến nay đời sống của người dân tại các khu, điểm tái định cư đã cơ bản ổn định.
Nhiều khu, điểm tái định cư nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và người dân tái định cư đoàn kết với người dân sở tại, cùng nhau xây dựng quê hương, bản làng ấm no, giàu đẹp. Đặc biệt, đồng bào Thái trắng tại các khu, điểm tái định cư luôn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, qua đó góp phần tô điểm thêm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La.
Mai Quỳnh là một bản tái định cư được di dời từ huyện Quỳnh Nhai đến xã Mường Bon, huyện Mai Sơn từ năm 2006, thuộc cộng đồng người Thái trắng. Đến nay, người dân trong bản đã ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Đặc biệt, hiện nay 44 hộ dân ở đây luôn lưu giữ được những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng với những làn điệu dân ca, dân vũ; nhất là cây đàn tính tẩu vẫn luôn là người bạn đồng hành với họ trong mỗi dịp sinh hoạt văn hóa.
Ông Lò Văn Thụn ở bản Mai Quỳnh chia sẻ: “Từ khi chuyển về nơi ở mới, chúng tôi vẫn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình và truyền dạy lại cho các con, cháu những làn điệu dân ca, nhất là cách chơi đàn tính tẩu khi hát và múa xòe”.
Cũng như Mai Quỳnh, bản Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, là một điểm tái định cư thủy điện Sơn La của các hộ dân chuyển đến từ Quỳnh Nhai. Sinh sống trên quê hương mới, nhưng 82 hộ dân nơi đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình như trang phục quần áo và một số lễ hội của dân tộc Thái trắng. Cùng với đó, đồng bào tái định cư ở bản Sơn Pha đã sớm thích nghi với nhịp sống canh tác mới, tập trung phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi.
Theo Bí thư Chi bộ bản Sơn Pha Lò Văn Hội, các hộ dân tái định cư ở đây phát triển kinh tế chủ yếu từ trồng ngô, mía, cây ăn quả; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà nên đời sống cơ bản ổn định.
Chủ tịch UBND xã Cò Nòi Phạm Bá Tính thông tin, xã có 5 bản tái định cư tập trung và 1 bản xen ghép. Những năm qua, chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống người dân tái định cư. Các hộ dân sinh sống ở đây đã hơn 10 năm nên đời sống cơ bản ổn định và tốt hơn nơi ở cũ. Cùng với đó, xã luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế-xã hội gắn với chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, giúp người dân tái định cư bảo tồn được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình trên quê hương mới.
Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, huyện Mai Sơn đã quan tâm, tuyên truyền việc giữ gìn các nghề truyền thống, thành lập các đội văn nghệ quần chúng với nòng cốt là những hạt nhân có năng khiếu, nhiệt huyết trong việc giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình. Đến nay, 100% các bản, tiểu khu vùng tái định cư ở Mai Sơn đã có nhà văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Ông Nùng Văn Tấm, Trưởng bản Mai Quỳnh cho hay, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng nhà văn hóa bản nên rất khang trang. Mỗi dịp bản tổ chức các cuộc họp, giao lưu văn hóa văn nghệ và tập văn nghệ đều diễn ra tại nhà văn hóa.
Ông Đinh Việt Bắc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mai Sơn cho biết, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phòng đã tham mưu với UBND huyện Mai Sơn phối hợp với các cấp, ngành tổ chức, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại các bản tái định cư. Đồng thời, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao cho các bản; khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư.
Giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tại vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Mai Sơn đã phát huy hiệu quả, vừa góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc Thái trắng trên quê hương mới, vừa tạo nên sự hài hòa trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.