Đồng bào Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn vững niềm tin theo Đảng

BVR&MT – Nằm cách xa trung tâm huyện Mèo Vạc khoảng gần 10 km, xã Cán Chu Phìn có gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Vợ anh Vừ Mí Dế tại xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) chăm sóc con bò được hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo bền vững. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Những năm trước đây, Cán Chu Phìn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Nhờ thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, giờ đây đồng bào dân tộc Mông ở Cán Chu Phìn đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới thêm ấm no, hạnh phúc.

Diện mạo tươi mới

Khi nhà nhà đang tất bật với công việc gia đình, nương rẫy, chúng tôi đến thăm thôn Sán Sì Lủng, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. Trong ngọn khói lam chiều, từ một thôn nghèo khó, Sán Sì Lủng đã có diện mạo tươi mới hơn, 100% đường liên thôn, nội thôn đều được bê tông hóa, nhà cửa sạch đẹp khang trang.

Là thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, thôn Sán Sì Lủng thuộc xã Cán Chu Phì có 129 hộ với gần 780 nhân khẩu. Cách đây 6 năm, năm 2018, ông Vừ Mí Hờ được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Trên cương vị được giao, ông Vừ Mí Hờ luôn trăn trở làm thế nào để đồng bào trong thôn bớt đói nghèo, đưa thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Một trong những giải pháp cho nhiệm vụ này được ông Vừ Mí Hờ đặt ra là đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho bà con.

Ông Vừ Mí Hờ luôn suy nghĩ muốn hướng dẫn người dân trong thôn, trước tiên mình phải làm để bà con làm theo. Trưởng thôn Vừ Mí Hờ đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo và lợn sinh sản. Gia đình ông hiện nuôi từ 6 – 7 con bò vỗ béo và 6 con lợn sinh sản. Từ bán bò vỗ béo và lợn giống, gia đình ông có thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Với kinh nghiệm tích lũy được của gia đình, Trưởng thôn Vừ Mí Hờ đã không quản ngại ngày đêm đến các gia đình trong thôn tuyên truyền, vận động, chia sẻ bí quyết chăn nuôi. Đến nay, các hộ gia đình ở thôn Sán Sì Lủng phát triển được trên 200 con bò và gần 400 con lợn. Đây đều là giống vật nuôi bản địa, có sức đề kháng tốt, khả năng chống chịu được thời tiết khắc nghiệt của vùng cao nguyên đá, giá thành lại ổn định, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Không chỉ giỏi trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, Trưởng thôn Vừ Mí Hờ còn vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Từ người trưởng thôn gương mẫu, nhiệt tình, sát sao với công việc, bà con thôn Sán Sì Lùng đã tích cực hiến đất, hỗ trợ ngày công làm đường giao thông liên thôn, nội thôn. Nhiều hộ có điều kiện hơn còn bê tông hóa đường lên nương phục vụ sản xuất.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn được thôn Sán Sì Lủng triển khai hiệu quả. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và chủ trương “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, mới đây, thôn Sán Sì Lủng được hỗ trợ xây dựng công trình nhà cộng đồng thôn với tổng diện tích hơn 400 m2. Công trình hoàn thành tạo thuận lợi cho đồng bào có nơi sinh hoạt chung, tổ chức các hoạt động thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Củng cố lòng tin

Là xã vùng cao biên giới, xã Cán Chu Phìn có 12 thôn gồm: Nhù Cú Ha, Há Dấu Cò, Chó Do, Cán Chu Phìn, Há La, Lủng Thà, Cán Lủng, Làn Chải, Mèo Qua, Tìa Chí Đùa, Đề Chia và Sán Sì Lủng. Tất cả 12 thôn ở xã Cán Chu Phìn đều có những đổi thay đáng kể như thôn Sán Sì Lủng.

Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2022 đến năm 2024, xã Cán Chu Phìn phân bổ hơn 14 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án. Xác định việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vừa là cơ hội, vừa là động lực để các hộ nghèo vươn lên, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, nhiều hộ gia đình trong xã Cán Chu Phìn vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Vừ Mí Dế, chị Ly Thị Dính là một trong 19 hộ gia đình ở Cán Chu Phìn được hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia 44 triệu đồng để xây dựng nhà ở và 15 triệu đồng chăn nuôi bò vỗ béo. Sau khi được hỗ trợ, cùng với số tiền tích cóp và vay mượn thêm, gia đình anh chị đã xây dựng được một ngôi nhà kiên cố, đồng thời sửa sang lại chuồng trại, mua bò về để vỗ béo bán tăng thu nhập.

Có thể nói, từ nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt nông thôn ở Cán Chu Phìn đã có nhiều đổi thay, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số đã từng bước được cải thiện, vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, xã Cán Chu Phìn có 6% hộ vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn xã có 1.242 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 76%. Năm 2024 này xã Cán Chu Phìn phấn đấu giảm 7,5% số hộ nghèo.

Anh Vàng Mí Trạ, Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cho biết: Từ nay đến cuối năm 2024, xã Cán Chu Phìn tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất về chăn nuôi bò vỗ béo, lợn sinh sản, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo… Cấp ủy, chính quyền xã cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bà con sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, thực hiện tốt công tác giải ngân đúng đối tượng, minh bạch, đúng nguồn vốn.

Có thể thấy, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ những chủ trương, chính sách đúng, trúng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm cán bộ, lãnh đạo địa phương, góp phần xây dựng và củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là nền tảng để đồng bào thay đổi nhận thức, tạo sinh kế bền vững, vươn lên thoát nghèo. Từ đó củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, niềm tin của đồng bào Mông với Đảng, Nhà nước, vào chính quyền địa phương, đồng thời mở ra cuộc sống mới tốt đẹp, bền vững, chung tay bảo vệ biên cương địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.