BVR&MT – Chương trình 135 do Ủy ban Dân tộc xây dựng, quản lý trải qua 3 giai đoạn và trở thành “xương sống” của nhiều chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời “thương hiệu” Chương trình 135 đã “ngấm” vào từng người dân, từng cán bộ vùng đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhân dịp này báo Tin Tức – TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Chiến (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn mới.
Thưa Bộ trưởng, rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình 135 được thiết kế, vận hành như thế nào?
Chương trình 135 giai đoạn 2010 – 2015 đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Từ thực tiễn đã rút ra những bài học quý để thiết kế cho giai đoạn 2016 – 2020. Giai đoạn này bổ sung thêm hợp phần Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, như nâng cao trình độ quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; đồng thời, tiếp tục phát huy dân chủ, sự tham gia của người dân, nhất là trong việc thi công các công trình, thực hiện phân cấp toàn diện cho địa phương trong việc lựa chọn công trình, tổ chức thi công, giám sát chất lượng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 161/QĐ-TTg về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020. Có thể nói, cơ chế vận hành rất thông thoáng, chủ yếu để địa phương và người dân quyết định.
Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 có điểm mới là nâng cao khả năng làm chủ của người dân. Vậy người dân sẽ được tham gia như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Như đã đề cập ở trên, giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình 135 có thêm một hợp phần Nâng cao năng lực cho cán bộ xã và cộng đồng. Cụ thể, hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của người dân hưởng lợi theo phương châm xã, thôn, bản có công trình, dân có việc làm và thu nhập; hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ tập trung hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân cả trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ sang hỗ trợ cho cộng đồng; từ cho không sang cho vay với lãi suất thấp, thời hạn dài hơn; từ hỗ trợ không thời hạn sang hỗ trợ có điều kiện, sau 3 – 5 năm hỗ trợ, phải cam kết thoát nghèo.
Giai đoạn này tăng cường sự tham gia trực tiếp của người dân vào các mô hình sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó hướng dẫn họ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Khi người dân đã nắm bắt được quy trình, kỹ thuật, họ sẽ trở thành một khuyến nông viên, kỹ thuật viên hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm và cách làm cho những hộ gia đình khác. Giai đoạn này cũng nâng cao vai trò và năng lực của người dân trong việc tham gia giám sát cộng đồng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nơi họ cư trú, làm tăng hiệu quả, chất lượng công trình.
Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Dân tộc sẽ có những hoạt động gì để thực hiện Chương trình 135 đạt hiệu quả cao nhất, thưa Bộ trưởng?
Ủy ban Dân tộc xác định những nội dung giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 trên cơ sở chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, xác định rõ các chương trình, các chính sách sẽ đạt được, những mục tiêu cụ thể về tỷ lệ hộ nghèo, về thu nhập bình quân đầu người, về hưởng thụ các dịch vụ xã hội có chất lượng, nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình 135 của giai đoạn 2016 – 2020, triển khai thực hiện theo Luật Đầu tư công dẫn đến hầu hết các địa phương còn lúng túng trong xây dựng và triển khai kế hoạch, tiến độ triển khai Chương trình ở các địa phương chậm. Một số tỉnh chưa ban hành định mức cho hợp phần hỗ trợ sản xuất; chưa cân đối nguồn lực các chương trình mục tiêu nhằm phân bổ đồng bộ các nguồn vốn; quy trình thẩm định các công trình khởi công mới theo Nghị định 136/NĐ-CP cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, vai trò của Cơ quan làm công tác dân tộc một số địa phương chưa được phát huy. Tại một số tỉnh, cơ quan làm công tác dân tộc chưa nắm được kế hoạch vốn thực hiện Chương trình được giao cho tỉnh. Việc báo cáo thực hiện Chương trình chưa được các địa phương chấp hành nghiêm túc.
Ngoài việc thực hiện chính sách giảm nghèo chung của cả nước, phải có chính sách đầu tư phát triển cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, nhằm đảm bảo tính bền vững. Bởi vậy, giai đoạn 2016 – 2020 Chương trình 135 được thực hiện đồng bộ với 3 hợp phần: Đầu tư cơ sở tầng, Hỗ trợ phát triển sản xuất và Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở, hướng tới mục tiêu góp phần giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần; tiếp tục củng cố, nâng cao lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng và Nhà nước.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách như: Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư. Triển khai hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân tộc, trong đó chú trọng chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Ủy ban Dân tộc sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động bà con dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, phát huy nội lực, vượt khó vươn lên, tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!