BVR&MT – Sản xuất nông nghiệp thông minh 4.0 đang trở thành vấn đề được các nhà khoa học, người sản xuất, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Để tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới.
Ngày 16-6, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Nông nghiệp thông minh – Mục tiêu và giải pháp” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.
Thời gian qua, hiệu ứng của quá trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp từ các quốc gia như: Israel, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia mạnh về nông nghiệp, trong đó có Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh phát biểu: Đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với rất nhiều cơ hội và thách thức. Một trong những quyết sách lớn, được xem là nhiệm vụ chiến lược của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của cả nước, trong đó lúa gạo, trái cây, thủy sản là những sản phẩm chủ lực.
Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trong đó có tỉnh Long An, đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại, khả năng cạnh tranh thấp. Nguyên nhân, một phần khách quan do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn xâm nhập và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhưng nguyên nhân chủ quan do việc tổ chức sản xuất chưa tốt, còn manh mún, nhỏ lẻ, canh tác theo tập quán cũ; việc chuyển đổi sang cơ chế thị trường còn chậm, việc áp dụng công nghệ mới chưa nhiều; cơ giới hóa, tự động hóa còn ít…làm cho chi phí và giá thành sản xuất còn cao. Do đó năng suất, chất lượng nông sản còn hạn chế, giá trị gia tăng và hiệu quả nông nghiệp còn thấp. Việc ứng dụng có hiệu quả và đồng bộ các tiến bộ sinh học, khoa học công nghệ có vai trò rất quan trọng để phát triển nền nông nghiệp thông minh, nhằm hạn chế những bất lợi, rủi ro của biến đổi khí hậu và dịch hại, đồng thời cơ cấu lại sản phẩm và thị trường để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành hạ… có như thế chúng ta mới vượt qua được các thách thức, khó khăn, từng bước hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng văn phòng phía Nam, Cục trồng trọt cho biết: Hiện nay khu vực phía Nam có hai tỉnh đã hình thành được khu nông nghiệp công nghệ cao là tại Phú Yên và Hậu Giang. Các vùng công nghệ cao được Chính phủ cho chủ trương phát triển và chúng ta đang tổ chức thực hiện. Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những biện pháp tốt cho mục tiêu sản xuất ra hàng nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng và mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà nông và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Vấn đề được tập trung chính đối với ngành nông nghiệp là bắt kịp xu hướng nông nghiệp hiện đại trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển lúa gạo tại ĐBSCL; thực trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.