BVR&MT – Những năm qua, việc xây dựng nông thôn mới ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã thu được nhiều kết quả quan trọng, trực tiếp góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt được
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của người dân, năm 2015, huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) vinh dự trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Xác định đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là kết quả bước đầu, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Đông Triều đã tập trung tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững theo hướng cộng đồng dân cư ở nông thôn là chủ thể của chương trình. Theo đó, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn, thị xã Đông Triều đã tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt trong xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để phát huy tốt những kết quả đã đạt được và động viên nhiều nguồn lực trong tham gia xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, thị xã Đông Triều đã vận động được 762 hộ dân hiến gần 74.096 m2 đất và trên 6.878 ngày công để mở rộng các tuyến đường; đã cấp cho các xã, phường 7.313 tấn xi măng để mở đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới. Các địa phương trên địa bàn thị xã đã thực hiện được 250 công trinh; trong đó có 14 công trình nhà văn hóa, 12 công trình kênh mương với tổng chiều dài 2,47 km; 336 công trình đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 45,26 km. Đến nay, công tác dồn điền đổi thửa đã được 17 vùng quy hoạch sản xuất tập trung tại 15 xã, phường với diện tích trên 300 ha.
Đến thăm xã An Sinh (Đông Triều), cảm nhận rõ nét nhất của chúng tôi là chương trình xây dựng nông thôn mới ở đây đã thực sự đem lại hiệu quả trong việc sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, người dân tham gia chương trình nông thôn mới rất hồ hởi, tích cực và tự giác. Minh chứng cụ thể nhất, đó là đến nay, 100% tuyến đường trục xã và đường liên thôn ở An Sinh đã được cứng hóa trên cơ sở sự hỗ trợ xi măng của Thị xã, phần còn lại do người dân đóng góp, tổ chức thi công và giám sát.
Ý thức được mục đích chính của chương trình nông thôn mới là nâng cao đời sống thu nhập cho người nông dân nên khi có chủ trương thị xã hỗ trợ xi măng xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nhân dân trong xã đã họp và thống nhất đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công làm đường nội đồng. Vì vậy, chất lượng công trình, tính hiệu quả của công trình được ưu tiên hàng đầu. Sau khi hoàn thành, người dân cũng rất tự giác vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Ông Nguyễn Văn Biên ở thôn Ba, xã An Sinh cho biết: “Mọi người đều nhận thấy trách nhiệm của mình trong tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tuy đã đạt chuẩn nông thôn mới, song người dân vẫn luôn cố gắng để nâng cao chất lượng các tiêu chí, trực tiếp là nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của bà con”.
Điểm sáng “Nông thôn mới kiểu mẫu”
Xác định mục đích xây dựng nông thôn mới chính là phát triển, nâng cao đời sống người dân, sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 847/QĐ-UBND (ngày 17/3/2017) “Về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu áp dụng trên địa bàn tỉnh”, thị xã Đông Triều tiên phong triển khai thí điểm mô hình này tại 3 xã: An Sinh, Việt Dân và Bình Khê. Trong đó, trọng tâm là tập trung xây dựng 90 thôn nông thôn kiểu mẫu; chỉ đạo các xã Việt Dân, An Sinh, Bình Khê xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu, thôn kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu.
Tại xã Việt Dân, phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã thu hút người dân tham gia rất hăng hái, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Xã đã xây dựng vùng sản xuất tập trung, sản xuất mang tính hàng hóa như: Cánh đồng mẫu cam canh, bưởi diễn, na… mang tính hàng hóa, chất lượng sản phẩm đã được bạn hàng, khách hàng tin tưởng. Địa phương cũng đã huy động các nguồn lực xây dựng các tuyến đường mẫu; mở rộng tuyến đường nội đồng, cải tạo kênh mương tưới tiêu, qua đó tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp, người nông dân nâng cao thu nhập. Việt Dân cũng đẩy mạnh xây dựng mô hình “hộ mẫu”, “vườn mẫu” trong phát triển kinh tế gia đình; đồng thời, vận động tích cực cải tạo vườn tạp, thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh, giữ gìn cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm ngày càng xanh – sạch – đẹp…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Dân cho biết: “Quan điểm của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong xã là việc đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, nhưng giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó hơn. Thực hiện mô hình “Nông thôn mới kiểu mẫu” của tỉnh và huyện, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên người dân tham gia với tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác cao nhất”.
Tìm hiểu được biết, trong thực hiện xây dựng mô hình “Nông thôn mới kiểu mẫu”, đến nay, chỉ tính riêng các xã An Sinh, Việt Dân và Bình Khê đã tổ chức trên 100 hội nghị tập huấn, tuyên truyền nội dung xây dựng NTM kiểu mẫu cho hơn 6.500 lượt người tham gia; đặc biệt, đã vận động được 269 hộ dân hiến 41.600m2 đất, tháo dỡ 2.600m2 tường bao; chặt bỏ hơn 1.250 cây các loại; huy động hơn 600 ngày công để mở rộng đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng và xây dựng các công trình nông thôn kiểu mẫu.
Chị Trần Thị Thơm, người dân xã Việt Dân cho biết: Đạt chuẩn nông thôn mới rồi tiếp tục xây dựng mô hình “Nông thôn mới kiểu mẫu”, đời sống người dân chúng tôi đã được cải thiện rõ rệt. Mọi người có thêm thu nhập, có điều kiện phát triển đời sống và chăm lo cho con cái nhiều hơn.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, thị xã Đông Triều sẽ tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; tăng cường công tác giữ gìn và bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn, khu dân cư…
Có thể thấy, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, thổi luồng sinh khí mới vào đời sống của người dân thị xã Đông Triều. Những đổi thay ở Đông Triều hôm nay chính là kết quả của hàng loạt giải pháp tích cực, sáng tạo, quyết liệt trong huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân cùng chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới.