BVR&MT – Là một trong số những huyện đặc biệt khó khăn, hưởng chế độ đặc thù theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, với hơn 90% dân số là đồng bào H’Mông sống ở nông thôn miền núi, cho nên công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Mù Cang Chải (Yên Bái) luôn được ưu tiên hàng đầu. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, nhiều hộ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều mô hình kinh tế giỏi được nhân rộng.
Về xã Khau Mang nơi có dòng Nậm Kim chảy qua, cánh đồng ruộng bậc thang mùa này đủ nước. Trước đây, người H’Mông thường không cấy vụ xuân dẫn đến thiếu đói quanh năm, cái nghèo bám riết dưới các mái nhà lợp gỗ thông bạc phếch. Qua nhiều năm kiên trì vận động, cán bộ khuyến nông bám bản, hằng tháng hướng dẫn đồng bào cách gieo mạ phủ ni-lông, cấy lúa đúng khung thời vụ, cho nên vụ này gần 280 ha lúa xuân của xã đều bám rễ trên đất hai vụ. Chủ tịch UBND xã Khau Mang Sùng A Dinh phấn khởi cho biết: Ngoài diện tích lúa nước, năm qua, được Chính phủ hỗ trợ giống người dân trong xã đã trồng được 420 ha ngô vụ xuân hè, năng suất trung bình đạt 47,2 tạ/ha. Hiện, giá ngô hạt là bảy triệu đồng/tấn, tương đương giá thóc, còn thân ngô được bà con thu hoạch về ủ làm thức ăn cho trâu, bò vụ đông. Nhờ cách làm này mà gần hai nghìn con trâu, bò không bị chết đói trong mùa đông. Thóc đủ, ngô bán được giá, trâu, bò, dê được chăn nuôi tốt, giúp hơn một nghìn hộ dân trong xã dần thoát nghèo. Năm qua, Nhà nước còn hỗ trợ 4,1 triệu đồng/ha, cán bộ nông nghiệp hướng dẫn bà con cải tạo giống lúa séng cù cho năng suất cao, giá bán đến 13 nghìn đồng/kg. Các xã bên cũng tìm đến học hỏi kinh nghiệm về mô hình kinh tế hiệu quả, từ đó tạo sự lan tỏa rộng ra toàn huyện.
Ở bản Hồ Nhì Pá, xã Lao Chải, có chàng trai trẻ Giàng A Câu say mê phát triển kinh tế hộ gia đình trên 2 ha ruộng, 3 ha nương trồng ngô. A Câu mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đầu tư chăn nuôi tổng hợp với 10 con dê giống, 10 con lợn, hai con bò. Nhờ cần cù và áp dụng những kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đàn gia súc của gia đình A Câu phát triển tốt. Năm 2019, A Câu xuất bán hai lứa lợn thu về hơn 100 triệu đồng. Tính cả với tiền bán dê thịt, ngô, lúa, gia đình anh cầm chắc hơn 200 triệu đồng. Hiện, gia đình còn đàn dê hơn 50 con, đàn lợn 20 con, tám con bò, một con trâu. Không chỉ phấn đấu làm giàu cho gia đình, anh Câu còn giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con, giống, thường xuyên phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, vận động người dân trong bản, xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Hiện nay trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có nhiều tấm gương là đảng viên tận tụy phục vụ nhân dân, nhiệt tình hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Ông Sùng A Sào ở bản Hú Trù Lình, xã Lao Chải là điển hình như vậy. Ông Sào với trách nhiệm là một đảng viên đã vận động, tuyên truyền người trong bản chấp hành các chính sách của Nhà nước; cùng Bí thư Chi bộ và Trưởng bản xây dựng hương ước, quy ước; tập trung vào xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Vận động, tuyên truyền cho người dân không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, thực hiện ba bỏ (bỏ trồng, bỏ hút, bỏ buôn bán, vận chuyển các chất ma túy)… Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây sơn tra (táo mèo) khá cao cho nên nhiều hộ người H’Mông đã chủ động đưa cây này thành hàng hóa. Từ năm 2010, ông Sào đã cùng gia đình trồng 9 ha cây sơn tra, vụ thu hoạch vừa qua cho thu nhập hơn 230 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng ngô hè thu, làm lúa hai vụ và nuôi 11 con trâu, năm con bò, đem lại thu nhập ổn định, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, là gương sáng để mọi người học tập và làm theo.Thấy ông Sào trồng được như vậy, bà con trong bản đã đến học tập và làm theo.
Nói về sự đổi mới của Mù Cang Chải, Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên đánh giá: Ðầu nhiệm kỳ, bình quân thu nhập của người dân trong huyện chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm nhưng đến nay, thu nhập tăng lên 20 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo giảm từ 75% xuống còn khoảng 40%. Hiện, hầu hết đường đến thôn bản đều có thể lưu thông bằng xe máy và ô-tô, tỷ lệ đi được bốn mùa khoảng 70%.
Cái hay ở huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này là Ðảng bộ cho phát hành cuốn “Sổ tay đảng viên” đến từng đảng viên, yêu cầu khi đi sinh hoạt chi bộ mang theo, cùng đọc, cùng học và làm theo. Trong đó, mục tiêu, định hướng phát triển của huyện quy định rất rõ, cụ thể nhiệm vụ của đảng viên nông thôn huyện Mù Cang Chải. Ðó là, mỗi gia đình đảng viên phải có một vườn rau từ 200 m2 trở lên; có ít nhất năm con lợn trở lên, 30 đến 50 con gà, ngan, vịt. Ngõ vào nhà phải được đổ bê-tông rộng từ một mét, dày 7 đến 10 cm; 100% số đảng viên không còn nhà tạm, nhà dột nát, nhà phải bảo đảm ba cứng (cứng nền, cứng tường, cứng mái). Cuốn “Sổ tay đảng viên” là cách đưa nghị quyết của Ðảng vào quần chúng một cách sát thực tế nhất, nếu đảng viên là người gương mẫu đi đầu thì đồng bào nhất định sẽ tin và làm theo.
Theo Thủ trưởng cơ quan Tổ chức – Nội vụ huyện Mù Cang Chải Phạm Văn Quynh, với hơn 2.800 đảng viên sinh hoạt ở 32 tổ chức cơ sở, ngoài việc củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thời gian qua, Ðảng bộ huyện đã chú trọng công tác phát triển đảng viên mới. Qua 5 năm đã kết nạp được 773 đảng viên, trong đó người dân tộc H’Mông chiếm 72,7%. Ðây chính là lực lượng nòng cốt ở cơ sở tạo sức bật mới cho các bản xa xôi. Với cách làm “Ðảng viên đi trước, làng nước đi theo”, thời gian tới tin rằng Mù Cang Chải sẽ có bước chuyển mạnh mẽ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.