BVR&MT – Lễ hội mừng lúa mới là một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc, mang đậm truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã mang đến một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu cho năm mới được mạnh khỏe, ấm no, lễ mừng lúa mới là dịp để dân làng tề tựu, cúng tế, cùng chia sẻ niềm vui được mùa.
Đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Hòa Vang hiện nay có 1250 người, ở tại ba thôn: Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc thuộc xã Hòa Bắc là cộng đồng người dân tộc với truyền thống phong tục sống du canh du cư, về định cư và sống ở huyện Hòa Vang từ đầu năm 1990 đến nay. Tết này Đồng bào dân tộc Cơ tu huyện Hòa Vang cùng vui nhịp trống chiêng, điệu múa tung tung – da dá và say bên chén rượu Tà Vạt truyền thống.
Tết mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu thường gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội với các nghi thức: Cầu mùa, diễn tấu cồng chiêng, múa hát giao duyên… Đặc biệt, đồng bào Cơ –tu còn tổ chức đâm trâu để cúng Giàng, thần linh. Thịt trâu được chế biến thành các món ăn truyền thống, một phần dành cho già làng tiếp khách quý tại Gươl (ngôi nhà chung của làng), phần còn lại chia đều cho dân làng. Rượu cần, rượu tà vạt, rượu tr’đin, xôi nếp, cơm trong ống lồ ô, thịt lợn, gà, măng khô, cá suối, các loại rau rừng… được mang ra, cả làng quây quần bên nhau uống rượu, hát lý, đánh chiêng, thổi kèn bơrét, múa tung tung – da dá. Đây cũng là dịp để trai gái Cơ Tu tìm đến nhau nên duyên chồng vợ.
Gói bánh chưng, thờ Bác Hồ ngày tết, đón tết cùng cán bộ chiến sĩ biên phòng, đó là những thay đổi lớn nhất của bà con Cơ Tu nơi đây mỗi khi dịp tết cổ truyền của dân tộc diễn ra. Nhờ có Đảng, Bác Hồ, người Cơ Tu ngày nay vừa đón Tết lúa mới, vừa vui Tết cổ truyền của cả dân tộc. Ở đó, tiếng trống chiêng, điệu múa Tân tung da dá vừa uyển chuyển, dịu dàng, vừa hùng dũng lại vang vọng cả núi rừng.
Phát triển du lịch sinh thái
Cùng với không khí rộn ràng đón xuân, đồng bào Cơ Tu những năm gần đây cũng manh nha phát triển du lịch. Hiện nay, nơi sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, huyện Hòa Vang là vùng đất rất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Để tạo điều kiện sinh kế và việc làm cho người dân nơi đây, huyện Hòa Vang đã hỗ trợ về vốn cũng như giúp đỡ họ phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở nền tảng văn hóa truyền thống của người dân tộc Cơ Tu và lập thế sinh thái tự nhiên ở nơi đây.
Để triển khai việc đó, Phòng văn hóa – thông tin huyện Hòa Vang đã phục dựng các phong tục tập quán và lễ hội đặc sắc, nghệ thuật điêu khắc gỗ, nghệ thuật dệt thổ cẩm, cồng chiêng, một số nghề truyền thống để phục vụ du lịch cộng đồng.
Anh Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng văn hóa – thông tin huyện Hòa Vang cho biết, nhờ sự hỗ trợ của UBND huyện Hòa Vang, cho vay vốn, đồng thời mời chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh về tư vấn, cũng như tạo sự kết nối với khách du lịch tại Đà Nẵng, trong nước và quốc tế; đến nay du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí rất phát triển.
Khi du lịch sinh thái cộng đồng phát triển sẽ kéo theo các nghề: dệt thổ cẩm, múa cồng chiêng, điêu khắc gỗ, lễ hội… là những bản sắc văn hóa độc đáo của người dân tộc Cơ tu, là sản phẩm gia tăng phục vụ du lịch cũng là điểm nhấn độc đáo, thú vị khiến khách du lịch tìm đến để thưởng thức kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; Giúp cho sự phát triển và phục hồi các bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện Hòa Vang.
Hồng Sơn