BVR&MT – Để đi được vào Trung tâm nghiên cứu nhân giống hổ Hoa Nam, du khách có thể lựa chọn đi bằng đường bộ, hoặc đi bằng hệ thống cáp treo dài 5.000m đến lưng chừng, rồi tiếp tục đi xe điện đến nơi.
Tại đây, phóng viên đã được tận mắt chứng kiến hình ảnh những cá thể hổ Hoa Nam đi lại trong khu nuôi dưỡng bảo tồn. Hổ Hoa Nam còn được gọi là “hổ Trung Quốc” hay “hổ Hạ Môn,” là giống hổ đặc hữu của Trung Quốc.
Hổ Hoa Nam là loài động vật ăn thịt lớn hung dữ, có cân nặng từ 130-175kg, chiều dài từ 1,6-2,9m. Hổ Hoa Nam có tuổi thọ từ 10-15 năm, tuổi thọ lâu nhất được ghi nhận đến nay là 23 năm.
Hổ Hoa Nam là giống hổ quý hiếm của Trung Quốc, là động vật có tính đại diện của hệ sinh thái rừng sâu phía Nam Trung Quốc, việc bảo vệ giống hổ Hoa Nam cũng là bảo vệ hệ sinh thái rừng sâu ở phía Nam Trung Quốc.
Hiện tại, ở Trung Quốc có chưa đến 120 cá thể hổ Hoa Nam, điều này có nghĩa số lượng hổ Hoa Nam còn ít hơn cả gấu trúc, hiện là loài động vật quý hiếm và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Chính vì vậy, quốc tế đã liệt hổ Hoa Nam là giống hổ cần được bảo tồn hàng đầu.
Để bảo tồn giống hổ Hoa Nam quý hiếm, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan quản lý và các các nhà khoa học đã thành lập Trung tâm nghiên cứu nhân giống hổ Hoa Nam.
Trung tâm nghiên cứu nhân giống hổ Hoa Nam được thành lập năm 1988 để thực hiện Dự án cứu giống hổ Hoa Nam trước nguy cơ tuyệt chủng. Đây là đơn vị duy nhất tại Trung Quốc được Cục Lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc đồng ý cấp phép tiến hành nghiên cứu nhân giống, nuôi dưỡng và huấn luyện kỹ năng săn mồi cho hổ Hoa Nam ở các giai đoạn khác nhau, từ đó nâng cao kỹ năng săn mồi cho hổ Hoa Nam, từng bước đưa trở lại môi trường tự nhiên hoang dã để bảo tồn sinh học.
Trung tâm hiện có 100ha được dùng để nuôi dưỡng, huấn luyện hổ Hoa Nam đưa trở lại môi trường tự nhiên, 6ha được sử dụng để làm nơi nhân giống hổ Hoa Nam và 20ha được dùng để làm nơi nuôi dưỡng các loài động vật làm thức ăn cho hổ như hươu, lợn rừng…
Kỹ sư La Hồng Tinh, người đã có nhiều năm gắn bó với Trung tâm nghiên cứu nhân giống hổ Hoa Nam ngay từ ngày đầu thành lập cho đến nay, cho biết mục đích thành lập Trung tâm là để bảo tồn giống hổ Hoa Nam, đa dạng gien di truyền, huấn luyện khả năng sinh tồn tự nhiên để đưa hổ Hoa Nam trở lại môi trường tự nhiên hoang dã.
Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong công tác nghiên cứu và bảo vệ giống hổ Hoa Nam, kỹ sư La Hồng Tinh cho biết do tất cả các cá thể hổ Hoa Nam hiện nay tại Trung tâm đều tham gia vào quá trình nhân giống sinh sản, do đó tỷ lệ giao phối cận huyết tương đối nghiêm trọng, điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác nhân giống hổ Hoa Nam, tỷ lệ cá thể hổ sống sót sau khi sinh tương đối thấp.
Mặc dù vậy, song Trung tâm vẫn đang nỗ lực hướng tới mục tiêu sau cùng là tìm được địa điểm phù hợp trong thời điểm thích hợp để thả những cá thể hổ Hoa Nam trở về với cuộc sống tự nhiên hoang dã.
Kỹ sư La Hồng Tinh chia sẻ, những năm 90 trên thế giới mới chỉ có hơn 50 cá thể hổ Hoa Nam và hiện đã tăng lên 246 cá thể.
Khi mới thành lập năm 1998, Trung tâm chỉ có 3 cá thể hổ Hoa Nam, trải qua hơn 20 năm, từ 3 cá thể hổ Hoa Nam đến nay đã nhân giống và duy trì tồn tại được 39 cá thể hổ Hoa Nam.
Với những nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý và các nhà khoa học đã góp phần vừa mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương thông qua thu hút khách du lịch, bảo tồn và duy trì giống hổ quý hiếm của Trung Quốc, đồng thời cũng bảo vệ hệ sinh thái rừng sâu ở khu vực phía Nam Trung Quốc.
Mô hình này có thể nghiên cứu học hỏi nhằm giúp bảo vệ và duy trì các loài động vật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái đa dạng sinh học.