BVR&MT – Hằng năm, cứ vào ngày con Rồng “Lò no” của tuần thứ nhất hoặc tuần thứ hai tháng 6 âm lịch, đồng bào Hà Nhì ở huyện Bát Xát (Lào Cai) lại chung vui mở lễ hội “Khu già già” truyền thống. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa của người Hà Nhì, một dân tộc thiểu số, chỉ sinh sống ở huyện biên giới Bát Xát. |
“Khu già già” theo tiếng Hà Nhì có nghĩa là “bội thu”. Đây là lễ hội cầu mùa, cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Hà Nhì. Người Hà Nhì tổ chức lễ hội này để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cây trồng phát triển, đây còn là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên của mình. Địa điểm tổ chức lễ hội là bãi đất trống tại khu rừng cúng duy nhất, nơi mà mọi người già, trẻ, gái, trai đều có thể đến vui chơi trong ngày hội. Nghi thức quan trọng nhất của lễ hội “Khu già già” là hiến sinh trâu. Mọi người chọn con trâu đực khỏe mạnh, đen tuyền, để hiến sinh cho tổ tiên. Sau khi làm lễ, thịt trâu sẽ được chia cho các gia đình làm lễ cúng tổ tiên ở nhà. Hòa chung bầu không khí vui tươi, náo nhiệt của ngày hội cầu mùa, phụ nữ trong mỗi gia đình sẽ quét dọn nhà cửa, gánh nước đầy thùng, cắt cỏ, lấy rau chuẩn bị cho ngày nghỉ lễ sau đó. Gạo nếp sẽ được ngâm với nước nóng từ sáng sớm, buổi chiều được đồ chín để giã nặn bánh dầy cúng tổ tiên. Vui nhất trong lễ hội “Khu già già” là phần hội, biểu diễn văn hóa và thi các môn thể thao dân tộc truyền thống… Lễ hội “Khu già già” là một trong những Ngày Tết truyền thống lớn nhất trong năm của người Hà Nhì. Những gia đình có con cái lấy chồng, lấy vợ hoặc sinh sống ở xa đều sắp xếp về lễ Tết, thăm hỏi bố mẹ trong dịp này. Hiện nay, Lễ hội “Khu già già” của người Hà Nhì ở Lào Cai trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm. Lễ hội này được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015. |