BVR&MT – Cứ vào tháng 2 (âm lịch) hằng năm, tại khu rừng “cấm” của thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, đồng bào dân tộc Nùng nơi đây lại tổ chức lễ cúng Thần rừng Mo Đổng Trư nhằm mục đích tưởng nhớ lại vị thủ lĩnh của người Nùng có tên là Hoàng Vần Thùng đã có công cứu giúp dân làng chống giặc và cũng mang ý nghĩa giữ rừng.
Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Việc tổ chức lễ cúng Thần rừng nhằm mục đích cầu chúc một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và bảo vệ rừng. Quan trọng nhất là bảo vệ phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Nùng.
Trong buổi lễ, người dân thường mang những lễ vật như: Một con trâu (ba năm thì cúng một lần); một con lợn từ 50 kg trở lên; bốn con gà trống thiến; rượu và cơm xôi đỏ; hương, tiền, bạc được làm từ giấy rơm để làm lễ cúng. Tất cả những lễ vật này hoàn toàn được người dân cống lễ tự nguyện.
Ông Tải Sèo Phin, thầy cúng chính của buổi lễ cho biết: “Hàng năm, tôi đại diện dân làng cúng thờ tổ tiên của đồng bào chúng tôi để phù hộ cho dân làng không ốm đau bệnh tật. Sau khi làm lễ cúng xong thì mới tới lượt bà con nhân dân dâng hương và dùng bữa cơm để tỏ lòng thành kính tới vị thủ lĩnh Hoàng Vần Thùng của chúng tôi”.
Lễ cúng rừng của người Nùng ở xã Pố Lồ đã có từ lâu đời, theo một số nghệ nhân nơi đây kể rằng: Lễ cúng rừng của người Nùng là để tưởng nhớ vị thủ lĩnh Hoàng Vần Thùng, người được nhân dân tôn là thần rừng vì đã có công giúp dân làng chống giặc, đem lại cuộc sống yên bình cho các tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đó, dân tộc Nùng đã dành những khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp, linh thiêng để lập miếu thờ.
Ngoài ý nghĩa về tâm linh, thể hiện bản sắc, tín ngưỡng riêng của đồng bào dân tộc Nùng, lễ cúng thần rừng ở Hoàng Su Phì còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.
Năm 2016, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch ra quyết định đưa Lễ cúng rừng của dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.