BVR&MT – Các doanh nghiệp du lịch cho biết, nhiều khách sạn đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng và có thể đi tới phá sản vào cuối năm nay, nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện và không nhận được những hỗ trợ thiết thực.
Phá sản trước khi phục hồi
Gần đây, cụm từ “nguy cơ phá sản” được nhắc đến ngày càng nhiều trong ngành du lịch. Các doanh nghiệp điêu đứng vì không có doanh thu nhiều tháng qua, nhưng vẫn phải chịu áp lực khủng khiếp với hàng loạt chi phí lương, vận hành, lãi ngân hàng, tiền thuê đất, thuê mặt bằng…, đặc biệt là những khoản lãi vay và nợ gốc tích tụ ngày càng lớn.
“Cơn bão mang tên Covid-19 lần thứ tư có lẽ là cú đánh nốc-ao, khiến nhiều doanh nghiệp du lịch, nhiều nhà hàng, khách sạn, du thuyền, nhà xe, các cơ sở dịch vụ vốn đã điêu đứng, giờ chết hẳn. Đã giữa hè 2021, nhưng các công ty du lịch, khách sạn, du thuyền, nhà xe, hàng không, điểm du lịch tại Việt Nam vẫn đang tê liệt”, ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc công ty lữ hành AZA Travel cho biết.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh doanh trong ngành khách sạn tại Thủ đô không mấy khả quan. Tháng 6/2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao tại Hà Nội giảm 0,7% so với tháng 5/2021. 6 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 24%, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Khoảng 750 trên tổng số 3.587 cơ sở lưu trú du lịch đã tạm dừng hoạt động.
Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, nhiều khách sạn tại Hà Nội đã rao bán nhưng cũng không bán nổi vì nhà đầu tư e ngại rủi ro. Hầu hết các cơ sở lưu trú cũng có dư nợ với ngân hàng nên gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn. Hoạt động du lịch chưa phục hồi, các sự kiện còn ít nên hạn chế khách hội nghị, hội thảo; vì vậy đóng cửa, dừng hoạt động là lựa chọn duy nhất vào thời điểm này. “Cứ đà này tôi e rằng nhiều khách sạn sẽ bị xóa sổ” – bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho biết.
Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, khó khăn chính của các khách sạn là các khoản vay, hiện nay không có dòng tiền để trả nợ. Đến khi không thể chịu nổi áp lực này thì buộc phải chuyển nhượng, rao bán. Tại Bình Thuận, ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết rất nhiều khách sạn phải đóng cửa từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại: “Nếu không được cơ cấu lại nợ ngân hàng, nhiều khách sạn sẽ mất khả năng thanh toán. Một số doanh nghiệp rất khó khăn và có thể đi đến phá sản nếu tình hình không được cải thiện từ nay đến cuối năm”.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành du lịch gần như tê liệt hoàn toàn, phần lớn cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành đã đóng cửa. Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 từ tháng 4 – tháng 5 đến nay diễn biến phức tạp và lan rộng, khiến hệ thống các cơ sở lưu trú, lữ hành và dịch vụ du lịch thiệt hại nặng nề chưa từng có.
Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, khách sạn càng lớn thì càng nguy cơ phá sản càng cao, vì không có doanh thu nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với chi phí lãi vay, chi phí lương, chi phí thuê khách sạn và các chi phí khác… “Có lẽ ngành du lịch sẽ phục hồi vào giữa năm 2022 khi việc tiêm vaccine đã được phổ cập, người dân không còn e sợ nữa. Nhưng đến lúc đó, rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã chết rồi” – ông Hoàng Ngọc Linh dự báo.
Lo sợ một hiệu ứng dây chuyền
Nếu các khách sạn – mắt xích quan trọng nhất của ngành du lịch phá sản, chắc chắn sẽ gây ra sự đứt gãy lớn trong ngành du lịch. Trong đó, ngành lữ hành chịu ảnh hưởng đầu tiên vì nguy cơ mất các khoản tiền đặt cọc, vừa không có doanh thu vừa thiệt hại thêm, chưa kể các chi phí vận hành.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc AZA Travel cho biết, một resort hạng sang ở Hội An, đối tác chiến lược của công ty đang bị ngân hàng “bắt nợ” và có nguy cơ phá sản. “Gần nửa tỷ đồng tiền phòng tôi đã trả cho resort này để giữ chỗ cho kế hoạch bán tour cao điểm hè năm nay có nguy cơ bị mất. Số điện thoại của giám đốc cũng như email của họ không có hồi âm. Hàng tỷ đồng vốn đặt cọc cho các hãng hàng không, resort, du thuyền để chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm chưa biết bao giờ mới thu hồi được.
Chúng tôi như đang ngồi trên đống lửa khi liên tiếp nhận tin xấu từ đầu tháng 5. Từ lo ngại sẽ bị ảnh hưởng giai đoạn đầu hè, đến lo sợ sẽ không có doanh thu cả dịp hè cao điểm, và đến giờ là nỗi lo mất trắng tiền vốn đã bỏ ra. Sắp tới kỳ trả lương cho nhân viên, phí thuê văn phòng và trăm loại chi phí khác mà công ty gần như không có doanh thu”.
Việc các khách sạn đóng cửa hàng loạt cũng tạo ra một biến động lớn về nhân lực ngành du lịch. Theo báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm 2021 của Sở Du lịch Hà Nội, khoảng 12,600 lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang không có việc làm. Ở mảng lữ hành, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương với 12.168 người.
Ông Trần Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ cho biết, nếu khách sạn đóng cửa thì nhân lực cũng sẽ chuyển sang lĩnh vực khác, rất khó có chuyện họ nghỉ việc 3-4 tháng rồi quay lại khi khách sạn mở cửa. Bởi lẽ trong hoàn cảnh hiện nay, kể cả hoạt động trở lại thì khách sạn cũng không thể trả họ mức lương tương xứng ngay lập tức. Những người lao động chất lượng cao, giàu kinh nghiệm của sẽ phải tìm công việc khác để mưu sinh, đây là thiệt hại lớn cho ngành khách sạn.
Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đóng cửa còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đào tạo nhân lực du lịch. PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng Khoa Du lịch & Khách sạn (Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho biết: “Đào tạo du lịch gắn liền với thực tiễn, mà đại dịch Covid-19 đã cắt mất phần quan trọng này. Lúc dịch bùng phát thì sinh viên không thể thực hành, còn khi mở lại cũng hạn chế, thu hẹp quy mô, lượng khách sụt giảm nên môi trường thực hành hạn chế. Việc thiếu hụt thực hành trong thời gian dài là một ‘điểm hẫng’ trong đào tạo nhân lực du lịch, ảnh hưởng đến phát triển nghề nghiệp của người học trong dài hạn, mà học online hay tự học không thể thay thế được”.