BVR&MT – Phần lớn các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số vẫn còn mang tính tự phát, hạn chế trong quá trình thực hiện. Do đó, việc chuyển đổi số bài bản, liên kết cao để thúc đẩy hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp đang được đặt ra bức thiết hiện nay…
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước vẫn tăng 20% so kế hoạch, đạt khoảng 15,87 tỷ USD, trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,07 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020. Hiện, tình hình sản xuất đã trở lại bình thường và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ đang tăng tốc sản xuất để kịp đơn hàng xuất khẩu đã ký cho nửa đầu năm 2022.
Dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến cả thị trường xuất khẩu và các doanh nghiệp sản xuất trong nước đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi nhanh phương thức sản xuất, kinh doanh. Việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp gỗ đang được đặt lên hàng đầu trong thời điểm hiện nay, thông qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội nhanh hơn, sản xuất hiệu quả hơn thích ứng nhanh với tình hình mới. Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, qua đồng hành cùng doanh nghiệp ngành gỗ và chứng kiến thấy doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tương tác trong chuỗi cung ứng, khách hàng… để thúc đẩy các hoạt động về thương mại, đặc biệt khi có Nghị quyết 128/NQ-CP, doanh nghiệp ngành gỗ đang cố gắng bù đắp những giai đoạn khủng hoảng, giảm tiêu cực trong hoạt động.
Các doanh nghiệp ngành gỗ là nhóm sản xuất nỗ lực rất cao trong việc chủ động tìm phương án chuyển đổi số. Đầu tiên là việc tìm cách liên lạc vận hành chuỗi cung ứng trong bối cảnh giãn cách và nhiều khu vực bị phong tỏa. Sau đó, các doanh nghiệp cố gắng tương tác với khách hàng vì khách hàng ở nhiều nước trên thế giới, không thể đi lại trực tiếp. Tuy nhiên, những tương tác đó còn tự phát nên hiệu quả chưa cao. Nhiều chủ doanh nghiệp ngành gỗ cho biết, dịch bệnh tăng nhanh đã khiến cho sản xuất gỗ có không ít thử thách về công nghệ, nguyên vật liệu nhằm đòi hỏi kiểm soát đồng bộ hóa cao. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát sự đồng bộ nhanh chóng, chính xác nhất, đồng thời kiểm soát chi phí trong sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chuyển đổi số còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp.
Thông qua công tác trợ giúp, tư vấn về chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức có uy tín trong và ngoài nước sẽ giúp doanh nghiệp tránh “lạc đường”, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập, mở ra cơ hội mới, phù hợp tình hình hiện nay. Theo các chuyên gia, trong tự động hóa, nếu nhìn vào nâng cao hiệu suất nội bộ, sử dụng dữ liệu trong quá trình sản xuất có thể biết nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu các kênh bán hàng online hay vật lý… Dựa trên vấn đề đó, doanh nghiệp có thể quyết định xem đủ nguồn nhân lực, khả năng giao hàng, vận chuyển… Thông qua chuyển đổi số, mỗi doanh nghiệp đang ở mỗi nấc khác nhau, tìm hiểu chiến lược, bố cục quản trị công ty để đưa ra quyết định hành động và đầu tư.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập, thời gian tới VIFOREST sẽ phối hợp thường xuyên với các cơ quan liên quan tổ chức hoạt động tham vấn về chuyển đổi số trên diện rộng để đưa chương trình này thành hiện thực và nâng cao vị thế của doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam dựa trên nền công nghệ. Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã có những mô hình chuyển đổi số mang lại hiệu quả. Hy vọng, những mô hình như vậy sẽ được các hiệp hội trong ngành gỗ nhân rộng, lan tỏa để các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
Ngày 14/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ngày 19/8 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thông qua đó, nhằm nâng cao nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số và hành động đồng bộ ở các cấp với sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành thực hiện thắng lợi chương trình chuyển đổi số quốc gia. |