BVR&MT – Giai đoạn từ bào thai đến năm hai tuổi, nếu trẻ được bổ sung dinh dưỡng có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, tỷ lệ tử vong, theo TS. Clair-Yves Boquien, Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng con người CRNH (Pháp).
Sản phẩm dinh dưỡng công thức: Ngôi sao đang lên ở các nước phát triển
Tham dự hội thảo “Sản phẩm dinh dưỡng công thức từ sữa tươi – Dinh dưỡng vàng cho lứa tuổi vàng, giúp trẻ phát triển toàn diện” với tư cách các diễn giả, TS. Clair -Yves Boquien, Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng con người – Pháp (CRNH) và TS. Alwine Kardinaal, trưởng Ban Dinh dưỡng và Sức khỏe – Trung tâm Nghiên cứu thực phẩm và sức khỏe NIZO (Hà Lan) đã có những chia sẻ về thực trạng và xu hướng sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng công thức ở các nước phát triển.
Trong phần tham luận có chủ đề “Tầm quan trọng của dinh dưỡng công thức trong những năm đầu đời của trẻ”, TS. Clair -Yves Boquien nhấn mạnh những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất với thể chất của trẻ nhỏ. Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ mắc bệnh trong suốt cuộc đời, thúc đẩy sự phát triển không ngừng về thể chất và tinh thần của trẻ.
Tuy nhiên, tình trạng trẻ em thiếu vi chất xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia phát triển với nền kinh tế hàng đầu. Tình trạng thiếu vi chất này có thể xảy ra trong suốt quá trình phát triển của trẻ, nhất là trong giai đoạn 6 tháng tuổi trở lên.
“Đầu tư vào dinh dưỡng tích cực khi trẻ còn nhỏ mang lại lợi ích lâu dài cho các cá nhân, gia đình và quốc gia”, Tiến sĩ Boquien khẳng định. Đồng thời, ông cũng chia sẻ tiến trình tối ưu hóa sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đã được các nhà khoa học trên khắp thế giới nghiên cứu suốt gần 200 năm qua và nhiều đột phá đang giúp cho các sản phẩm ngày càng trở nên hữu ích cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Trong phần tham luận “Xu hướng thế giới về dinh dưỡng công thức cho trẻ”, TS. Alwine Kardinaal cho biết dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng các sản phẩm dinh dưỡng công thức đều chỉ những thức uống từ sữa hay có nguồn gốc protein thực vật, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1 tuổi trở lên.
Trên thực tế, chưa có bất cứ quy định chung nào về khái niệm và thành phần dinh dưỡng của sản phẩm này nhưng nhiều quốc gia yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) về năng lượng, độ đạm, độ tinh bột, chất béo, vitamin và các khoáng chất cụ thể khác.
Có một điểm chung cũng được TS. Kardinaal nhắc tới nhiều là các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ cần có thành phần, nguồn gốc tự nhiên hoặc hữu cơ. Xu hướng này đặc biệt tăng mạnh ở châu u và cũng đang lan tỏa khắp thế giới.
Trong xu hướng phát triển rất nhanh của các dòng sản phẩm dinh dưỡng công thức, có những yếu tố được đặc biệt chú trọng như Probiotics, Oligosacarit sữa mẹ (HMO) hay Chất xơ hòa tan (GOS/FOS)….
“Những nguyên liệu mới giúp sản phẩm dinh dưỡng công thức có thành phần gần hơn với sữa mẹ được đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Những nguyên liệu này có thể mang đến một chế độ ăn uống đa dạng hơn cho trẻ ở những độ tuổi khác nhau”, TS Kardinaal nhấn mạnh.
Thực trạng và giải pháp với vấn đề của Việt Nam
Tại hội thảo, những số liệu “đáng giật mình” về tình trạng thiếu vi chất trên trẻ em Việt Nam đã được công bố. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 do Viện Dinh dưỡng quốc gia triển khai, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc có 58% trẻ thiếu kẽm, 19,6% trẻ thiếu máu, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi là 19,6%.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em tuổi học đường, từ 5 đến 19 tuổi là 14,8%. Tỷ lệ thừa cân béo phì của lứa tuổi học đường tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, trong đó ở khu vực thành thị lên tới 26,8%. Mặc dù chiều cao của thanh niên Việt Nam có tăng lên – hiện trung bình chiều cao của nam đạt 168,1 cm, nữ đạt 156,2 cm – song vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thấp hơn so với chuẩn của WHO. Nghiên cứu của Tổ chức Dinh dưỡng Đông Nam Á cũng cho biết, bữa ăn hằng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất….
Đồng quan điểm với các chuyên gia quốc tế, PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẳng định tầm quan trọng của can thiệp dinh dưỡng hợp lý để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện. Sau 6 tháng tuổi, trẻ có thể sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng công thức bổ sung phù hợp.
PGS, TS Lâm cho rằng, bên cạnh chế độ ăn với tinh bột, rau và các loại protein từ thịt, cá…, sản phẩm dinh dưỡng công thức bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu là một trong những lựa chọn phù hợp trong thức ăn bổ sung để bù đắp những khoảng trống của sữa mẹ trong giai đoạn này, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Trong phần thảo luận về Thực trạng dinh dưỡng và chiến lược can thiệp tại Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Song Tú của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã dẫn nhiều số liệu cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam, dù đang có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, tình trạng thiếu máu, thiếu kẽm ở trẻ em Việt Nam cũng ở mức cao, đặc biệt là những khu vực trung du và miền núi.
Ban biên tập