BVR&MT – Sáng 13-6, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi tổ chức diễn đàn “Giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng duyên hải Nam Trung Bộ”. Diễn đàn thu hút 230 đại biểu là chuyên gia lĩnh vực chăn nuôi, lãnh đạo các tỉnh thành khu vực duyên hải Nam Trung bộ cùng bà con nông dân tham dự nhằm đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả cho ngành chăn nuôi trong tình hình hiện nay.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Hà Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có cơ cấu vật nuôi khá đa dạng, có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc như: lợn, bò, cừu, dê,… Năm 2017, các tỉnh Nam Trung Bộ có tổng đàn bò 1.269,0 nghìn con, đàn trâu 173,9 nghìn con, đàn lợn 2.163,2 nghìn con… Các sản phẩm chăn nuôi gia súc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm tương ứng của ngành chăn nuôi cả nước. Riêng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng năm 2017 đạt 86,1 nghìn tấn, chiếm 26,8% sản lượng thịt bò của cả nước. Tỉnh có sản lượng thịt bò nhiều nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Bên cạnh lợi thế đó, duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn hán, thiếu nước trầm trọng khiến gia súc thiếu thức ăn, nước uống, chết do mất sức đề kháng ảnh hưởng đến phát triển bền vững đàn gia súc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày, thảo luận 13 tham luận chuyên sâu các chủ đề về hiện trạng ngành chăn nuôi, một số tiến bộ kỹ thuật về giống gia súc, kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính, một số mô hình chăn nuôi gia súc hiệu quả cao thích ứng với biến đổi khí hậu…
Các tham luận đánh giá về tình hình biến đổi khí hậu mà nhiều tỉnh thành trong khu vực đang hứng chịu như tình trạng khô hạn, dịch bệnh do mưa lũ ảnh hưởng lớn đến phát triển đàn, chăn nuôi bền vững. Đồng thời, đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhóm giải pháp trọng tâm khuyến khích thực hiện là quy hoạch vùng chăn nuôi; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa, sắn, ngô tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc; chọn lọc, bảo tồn nguồn giống quý thích ứng điều kiện tự nhiên. Từ kinh nghiệm thực tiễn, các địa phương cũng giới thiệu, chia sẻ những mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao tại Quảng Nam, Bình Định như liên kết sản xuất chăn nuôi heo, chế biến dự trữ thức ăn cho gia súc từ nguồn phế phụ phẩm, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, mô hình thâm canh bò thịt kết hợp dự trữ thức ăn, quản lý dịch bệnh gia súc quy mô trang trại…
Qua diễn đàn “Giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng duyên hải Nam Trung bộ”, các tỉnh thành, nhà nông sẽ lựa chọn những giải pháp phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển chăn nuôi hướng bền vững.