BVR&MT – Khi hoa đào, hoa mận tinh khôi đua nhau khoe sắc trong sương sớm nơi những cánh rừng Tây Bắc cũng là thời điểm diễn ra những hội xuân vùng cao. Về miền đất cách mạng – Điện Biên hùng vĩ và đến với hội xuân huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) năm nay, du khách không chỉ được gặp gỡ, trải nghiệm mà còn là dịp được đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống của bức tranh đa màu sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Bắc.
Điện Biên Đông “đến là mê – về là nhớ”
Mùa xuân là mùa của những lễ hội trải dài từ Bắc đến Nam, với vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi, lễ hội đầu xuân càng mang nhiều ý nghĩa. Bởi đây không chỉ là thời gian bà con nghỉ ngơi vui chơi, mà còn là khoảng thời gian cho bà con cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong không khí tưng bừng phấn khởi của những ngày đầu năm mới, theo Kế hoạch số 270/KH-UBND ngày 29/12/2023 của UBND huyện Điện Biên Đông, Hội Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra trong 04 ngày, từ ngày 11/02/2024 – 14/02/2024 (tức mùng 02 – 05 Tết âm lịch). Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón Tết Nguyên đán năm 2024 và quảng bá hình ảnh nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Điện Biên Đông đến với đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng – an ninh huyện Điện Biên Đông nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung.
Với bảy năm đã thực hiện hội xuân, năm nay ban tổ chức chú ý công tác chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, mang lại nhiều hoạt động ý nghĩa cho bà con và du khách. Với nhiều hoạt động hấp dẫn đặc sắc như hội thi đấu bò truyền thống; Thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; Thi gói bánh chưng; Biểu diễn khèn Mông; Ẩm thực và các hoạt động thi đấu môn thể thao như: Tù lu, tung còn, cà kheo và các hoạt động trưng bày giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc,…
Là huyện vùng cao với hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc Mông, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá giới thiệu văn hóa dân tộc Mông, không gian Hội xuân Giáp Thìn là nơi để du khách đắm chìm trong những trang phục truyền thống. Theo năm tháng, những bộ trang phục được cải tiến, cách tân mang nhiều màu sắc và ý nghĩa mang giá trị đời sống vật chất lẫn tinh thần riêng của từng dân tộc.
Người dân vùng cao đón xuân trong vẻ đẹp khác biệt của thiên nhiên, con người. Khác với mùa xuân ở phố thị với ánh đèn rực rỡ, xuân vùng cao cuốn hút trong khói mờ sương tỏa, rực thắm hoa đào, màu trắng tinh khiết của hoa lê, hoa mận trên khắp các nẻo đường xen lẫn là sắc áo thổ cẩm.
Nếu ai đã một lần “đổ đèo” trên cung đường từ trung tâm thành phố tới Điện Biên Đông những ngày cuối năm, hẳn sẽ ấn tượng mãi với bức tranh thiên nhiên thơ mộng với sắc vàng của hoa dã quỳ nở. Đi qua cung đường hoa dã quỳ sẽ đến Khu du lịch sinh thái hồ Noong U. Nơi này được ví như “thiếu nữ ngủ quên” và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Và chắc chắn, các di tích lịch sử, trong đó phải kể đến Khu di tích căn cứ cách mạng Vừ Pa Chay (xã Pu Nhi). Đây là nơi nghĩa quân của thủ lĩnh Vừ Pa Chay chiến đấu chống lại ách thống trị của thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX; di tích tháp Mường Luân, bản Mường Luân 1 cũng là các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo thu hút du khách để nhớ về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Du lịch Điện Biên Đông là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh du lịch tổng thể của tỉnh Điện Biên. Chính vì vậy, việc “đánh thức” tiềm năng thành sản phẩm du lịch là mục tiêu của huyện Điện Biên Đông trong những năm gần đây và dịp tết Nguyên Đán là “cơ hội” để huyện tiếp tục quảng bá. Hội xuân Điện Biên Đông cũng được kỳ vọng góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần từ đó phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy giao thương, tạo điểm nhấn thu hút du khách thập phương đến du lịch, mua sắm, tham quan, trải nghiệm, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội trên địa bàn phát triển một cách toàn diện, bền vững…
Màu sắc lễ hội
Ðiện Biên – mảnh đất cực Tây tổ quốc, nơi hội tụ 19 dân tộc sinh sống, với 19 sắc màu văn hóa. Di sản văn hóa Ðiện Biên chính là những phong tục, tập quán, những giá trị tinh thần gắn với cuộc sống của đồng bào các dân tộc được lưu giữ từ hàng nghìn năm nay. Trong đó bao gồm cả những lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần chẹt; Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La; Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Hạn Khuống…
Ngay những ngày đầu năm 2024, tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, khởi động cho chuỗi các hoạt động trong “Năm Du lịch quốc gia – Điện Biên 2024”. Vừa qua lễ hội Hoa Anh Đào – Điện Biên Phủ năm 2024 được tổ chức từ ngày 12 – 14/1/2024. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản theo tinh thần quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á; tăng cường quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước nói chung và với tỉnh Điện Biên nói riêng. Hoạt động này mở màn cho nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch lớn của tỉnh Điện Biên trong năm 2024 như: Lễ hội Hoa Ban 2024, Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909 -28/6/2024) và 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 – 10/10/2024).
Theo đó, ngày 08/01/2024, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về tổ chức khai mạc Năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên Phủ và Lễ hội Hoa Ban năm 2024. Sự kiện sẽ được diễn từ tháng 01/2024 đến tháng 5/2024, các hoạt động trọng tâm được tổ chức từ ngày 13/3 đến ngày 18/3/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, với nhiều nội dung, hoạt động đặc sắc: Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên Phủ 2024 diễn ra từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 45 phút ngày 16/3/2023 với Chủ đề: “Về miền Hoa Ban” với chương trình nghệ thuật đậm bản sắc và màn bắn pháo hoa rực rỡ. Chương trình dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Điện Biên và được tiếp sóng trên kênh sóng của Đài Truyền hình một số tỉnh.
Cuộc thi ảnh “Lung linh miền Hoa Ban”, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc, Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông, trưng bày giới thiệu văn hóa truyền thống của địa phương; Hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao (Tung còn, Giã bánh Dày, Kéo co, Thi đẩy xe đạp thồ, tải đạn) và các hoạt động thể thao trải nghiệm: Bịt mắt đập niêu, bập bênh, tung còn giao lưu, cầu lắc,…
Với nền tảng đa dạng, phong phú và độc đáo, việc đẩy mạnh du xuân kết hợp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tốt sẽ hỗ trợ phát triển du lịch, ngược lại du lịch phát triển cũng tác động tích cực trở lại vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với tham quan, trải nghiệm các khu, điểm di tích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, việc hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc chắc chắn sẽ mang đến những ấn tượng độc đáo, khó quên với mỗi du khách khi có dịp đến với vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng.
Hà Linh