BVR&MT – Sau 7 năm dồn lực xây dựng nông thôn mới, với những cách làm sáng tạo, phát huy sức mạnh của nhân dân cùng hệ thống chính trị, xã Khuôn Hà, Tuyên Quang, đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Về Khuôn Hà những ngày này, chúng tôi thấy rõ sự vui mừng, phấn khởi trên khuôn mặt từng người dân. Có thể thấy sau nhiều năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Khuôn Hà đã thay đổi; hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Xác định xây dựng nông thôn mới phải gắn với nâng cao đời sống của nhân dân nên ngay từ khi triển khai chương trình, chính quyền xã Khuôn Hà đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất.
Ông Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà cho biết, để giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển, xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, lồng ghép các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với Chương trình 135. Toàn xã có trên 180 hộ nuôi trâu, bò, dê, 220 hộ nuôi lợn, 8 hộ nuôi gà, vịt được hỗ trợ vay vốn sản xuất với tổng số tiền trên 26 tỷ đồng. Các hộ trong xã được tham dự tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người ở Khuôn Hà là 6 triệu đồng/năm, đến nay đã đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 56% (năm 2011) xuống dưới 12% (năm 2017).
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, một trong những yếu tố quan trọng giúp Khuôn Hà cán đích nông thôn mới chính là việc huy động được tối đa các nguồn lực. Chỉ trong 7 năm triển khai xây dựng nông thôn mới xã Khuôn Hà đã huy động được gần 142 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 85 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ gần 23 tỷ đồng… Đặc biệt, nhân dân đóng góp trên 7 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 4,2 tỷ đồng, còn lại là đóng góp ngày công, vật tư vật liệu, hiến đất làm đường, nhà văn hóa.
Một trong những điểm nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Khuôn Hà là phong trào tự nguyện hiến đất làm đường, nhà văn hóa của bà con nơi đây. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn được cứng hóa trên 97%, trong đó những tuyến đường trục xã, thôn, liên thôn đều đã bê tông hóa 100%; 12/12 thôn có nhà văn hóa khang trang…
Chị Hoàng Thị Mịt, thôn Nà Thếm, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, cho biết quá trình xây dựng nhà văn hóa thôn gặp nhiều khó khăn do địa phương không có quỹ đất để xây dựng. Trước tình hình đó, được sự vận động của cán bộ thôn, xã, gia đình chị cùng một số gia đình khác trong thôn đã tự nguyện hiến đất xây nhà văn hóa. Sau khi hoàn thành, nhà văn hóa thôn là địa điểm để bà con tổ chức các chương trình sinh hoạt cộng đồng như hội họp, chơi thể thao…
Ông Trần Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Khuôn Hà cho biết: Khuôn Hà là xã khó khăn, đời sống bà con còn thiếu thốn. Vì vậy, quá trình vận động bà con chung sức thực hiện xây dựng nông thôn mới là thách thức lớn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ xã thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể trực tiếp tới tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu tầm quan trọng về xây dựng nông thôn mới. Với phương châm đảng viên đi đầu, làm gương nên đã được người dân đồng tình ủng hộ. Đến nay, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một số tiêu chí kém bền vững. Vì vậy, thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.