BVR&MT – Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 25/3/2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố nước ta.
Cụ thể, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu và Bắc Giang. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 64.879 con.
Giai đoạn đầu, bệnh DTLCP chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học chưa tốt. Từ ngày 20/3, bệnh DTLCP đã và đang có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng. Trong đó, đã có hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn 4.500 (gồm 500 nái và 4.000 lợn thịt) tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị dịch bệnh. Như vậy, dịch bệnh đã xâm nhiễm vào trại có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn các hộ dân.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, để phòng chống DTLCP trong thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hành động ứng phó cụ thể của địa phương bảo đảm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất trong phòng, chống DTLCP.
Lưu ý hướng dẫn chủ vật nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất, từ hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại chăn nuôi lợn ra các khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao. Tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng người và phương tiện vận chuyển, dụng cụ. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn các loại chim, côn trùng, loài gặm nhấm có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào; không đến tham quan, không gặp trực tiếp với chủ cơ sở, người tham gia chăn nuôi để hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm vào trang trại.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn qua địa phương. Bố trí đầy đủ lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh, nhất là các tỉnh, thành phố có đường giao thông vận chuyển từ phía Bắc vào phía Nam.
Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông.Tạm dừng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các vùng có dịch ra khỏi địa bàn (vùng có dịch) trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh DTLCP được tiêu hủy trên địa bàn.
Đặc biệt, tăng cường giám sát lâm sàng khu vực xung quanh ổ dịch và tại nơi có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có giải pháp ứng phó kịp thời. Chỉ lấy mẫu xét nghiệm bệnh đối với lợn có triệu chứng lâm sàng của bệnh DTLCP và lợn chết với số lượng tối đa 5 mẫu/đàn có lợn bệnh; không lấy mẫu của lợn khỏe mạnh.
Song song với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của nhà nước đối với tổ chức, cá nhân có động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tập trung thông tin, tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo nguyên tắc vừa bảo đảm ngăn chặn đường truyền lây từ phương tiện vận chuyển, côn trùng, thức ăn thừa… để đảm bảo yêu cầu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.