BVR&MT – Trên địa bàn hai huyện Na Rì và Ngân Sơn (Bắc Kạn) xuất hiện dịch châu chấu tre lưng vàng với mật độ dày đặc gây hại cây trồng. Dự báo thời gian tới dịch châu chấu sẽ bùng phát trên diện rộng. Ngành chức năng đang tích cực hướng dẫn nông dân ngăn chặn.
Thời gian gần đây, dịch chấu chấu tre lưng vàng xuất hiện ở các xã Vũ Loan, Lương Thành, Lương Thượng, huyện Na Rì và xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn với mật độ lớn. Chúng xuất hiện chủ yếu trên rừng hỗn giao, rừng cây chít với mật độ phổ biến từ 2.000- 3.000 con/m2, có nơi lên đến hơn 10.000 con/m2.
Hiện nay châu chấu tre lưng vàng đang ở giai đoạn mới nở, còn co cụm và chưa bay nhảy được, dự báo từ mười đến 15 ngày tới sẽ trưởng thành, có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát. Chấu chấu ăn trụi lá, búp cây rừng, sau đó sẽ ăn các loại cây nông nghiệp, làm cho cây không phát triển được.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Kạn đã chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hai huyện Ngân Sơn và Na Rì tăng cường điều tra, theo dõi và xử lý ngay từ khi chấu chấu non mới nở. Huy động mọi nguồn lực tại địa phương, bố trí kinh phí hỗ trợ nông dân tiến hành phun thuốc diệt trừ châu chấu khi chúng di chuyển xuống gây hại cây trồng nông nghiệp và không để lây lan ra diện rộng.
Cán bộ chuyên môn hướng dẫn nhân dân nhận biết ổ trứng châu chấu để diệt trừ bằng các biện pháp thủ công; đối với các ổ châu chấu mới nở có mật độ cao hoặc khi châu chấu chuẩn bị di chuyển gây hại cây trồng cần tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc.
Năm 2016, dịch châu chấu tre lưng vàng bùng phát tại các huyện Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông, gây hại 480 ha rừng vầu hỗn giao, 48 ha lúa nương (gây mất trắng trên 12 ha) và 32 ha ngô (gây mất trắng 3 ha).