BVR&MT – Srê, tiếng K’Ho, chuyển sang Việt ngữ, nghĩa là ruộng.
Thuở thế giới chưa phẳng, khoảng cách địa lý còn là một cách ngăn không dễ gì vượt qua, người K’Ho đã tự căn cứ theo đặc điểm cư trú cùng nghề nghiệp nuôi sống tộc dân, để rồi phân chia thành 5 nhóm: Nộp, Cil, Làc, K’Yòn và Srê. Ứng với mỗi nhóm là một hình thái kinh tế và một địa bàn cư trú riêng. Thí dụ, K’Ho Nộp, nghĩa là người K’Ho sinh sống ở vùng núi cao, với hình thái kinh tế canh tác lúa cạn. Các nhóm K’Ho Cil, K’Ho Làc và K’Ho K’Yòn là người K’Ho cư trú ở lưng chừng núi (gần giống với vùng trung du) và nghề nghiệp chính là canh tác lúa cạn cùng một ít lúa nước. Trong 3 nhóm Cil, Làc, K’Yòn này, dù rằng địa bàn cư trú và hình thái kinh tế tương đối giống nhau, nhưng mỗi nhóm lại có những dị biệt nhỏ và không khó để nhận ra sự khác biệt đó. Còn K’Ho Srê, tức người K’Ho làm lúa nước, sống ở đồng bằng.
Tất nhiên, sự phân chia trên chỉ là tương đối, bởi sống trên bình sơn Tây Nguyên này, đâu chẳng là núi, đâu chẳng là rừng, thì hà cớ gì còn phân chia miền núi, trung du và đồng bằng cho mệt. Thêm nữa, ngay cả đối với nhóm người Nộp, tuy sống ở vùng núi cao, nhưng người dân nơi đây vẫn canh tác lúa nước bên cạnh cây lúa cạn chủ lực. Ấy vậy mà sự phân chia trên vẫn tồn tại, nó như một dấu chỉ khế ước, có xuất phát điểm từ mẫu gốc K’Ho và là một căn cước định danh tộc người. Ở bài viết này, tôi chỉ đề cập đến nhóm K’Ho Srê và những nghi lễ liên quan đến cây lúa nước.
Địa sinh thái ruộng
Địa sinh thái Srê (ruộng) là toàn bộ cuộc sống của người K’Ho Srê, bên cạnh chuỗi quan hệ rộng lớn hơn là rừng. Nó là cách sống, kiểu sống của người K’Ho Srê. Địa sinh thái Srê cũng có thể coi là cách nhóm dân này lựa chọn câu trả lời trước thực tại mà cả cộng đồng đối mặt từng ngày: ruộng. Ruộng, với người K’Ho Srê, không chỉ là nơi mang lại cái ăn hàng ngày, mà còn là ý niệm thường trực về Yàng (thần linh) trong tín ngưỡng đa thần. Cụ thể, đó là N’Du Yàng Kòi (vị thần ngự trong hạt lúa). Cách sống ấy được hình thành bởi quá trình người K’Ho Srê canh tác lúa nước và rồi trở thành căn tính của nhóm dân này. Nó là cách người K’Ho Srê giải thiêng trước thế giới tự nhiên, tìm lối ứng xử hòa hợp cho cả cộng
đồng, qua cách sống: ơn Yàng. Người K’Ho Srê ở Cao nguyên Di Linh cho rằng, N’Du Yàng Kòi chính là vị thần đã chỉ bày cho tổ tiên nhóm dân này cách thức canh tác lúa nước, từ việc chọn vị trí đất lập ruộng đến việc chế tác nông cụ sản xuất, bảo vệ mùa màng… Ơn Yàng, nhớ Yàng chính là sợi dây, là điểm tựa để người K’Ho Srê vun bồi tâm tính biết ơn, hiểu và yêu thương nguồn cội, yêu thương con người, yêu thương cộng đồng.
Trước đây, việc canh tác lúa của nhóm dân này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời. Quá trình canh tác cũng trải qua nhiều công đoạn. Từ cuối tháng 4 dương lịch, người K’Ho Srê bắt đầu xuống đồng làm các khâu cày bừa, chuẩn bị đất ruộng cho việc gieo cấy. Tuy nhiên, vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời, nên mãi đến tháng 6 dương lịch, khi có những trận mưa đầu mùa trút xuống, việc gieo cấy mới được tiến hành. Trong quá trình xuống giống, người K’Ho Srê tiến hành Nhô sih srê (Uống mừng gieo sạ) và trước đó là nghi lễ cầu mưa. Mục đích của nghi lễ là tạ ơn Yàng đã cho mưa xuống giúp việc gieo cấy thuận lợi, nhất là cầu khấn Yàng ban ơn cho cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, không bị chim chóc,
muông thú và các bệnh gây hại. Sau tổ chức Nhô sih srê một thời gian, người K’Ho Srê tiếp tục Nhô rào jơng rơpu (Uống mừng rửa chân trâu) trong phạm vi gia đình, dòng tộc và nghỉ ngơi chờ lúa trổ bông.
Trải qua một thời gian sinh trưởng, cây lúa bước vào thời kỳ làm đòng, người K’Ho Srê lại mở lễ Nhô wèr để thực hiện nghi thức kiêng cữ cho bông lúa trổ đều, trổ đẹp… Nhô wèr là nghi lễ quan trọng. Thời điểm người K’Ho Srê tổ chức nghi lễ thường rơi vào tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch, tùy theo lúa đón đòng sớm hay muộn. Trước khi diễn ra Nhô wèr, già làng cùng những người có uy tín trong bon bàn bạc, rồi đi đến ấn định ngày, giờ tổ chức cũng như quyết định con vật hiến sinh là trâu hay dê. Ấn định ngày xong, già làng cùng những người có uy tín trong bon làm một lễ nhỏ gồm 1 con gà, 1 chóe rượu cần… để thông báo với thần linh, rằng ngày, giờ Nhô wèr đã định, mong Yàng về dự cùng dân bon và sau đó đổ nước vào than cho khói bay lên, báo cho Yàng biết. Mọi việc đã định sẵn, người đứng đầu dòng tộc có nhiệm vụ thông báo cho các thành viên trong dòng tộc chuẩn bị các khoản đóng góp như rượu cần, gà, củi… và tham gia lễ hội. Già làng phân công thanh niên đi tìm dây mây, cây rừng, cỏ tranh… để dựng hìu wèr (nhà chuyên dụng cho việc Uống mừng kiêng cữ) và cắt cử dân bon tham gia tu sửa giếng nước, đường trong xóm, đường ra cánh đồng. Già làng cũng là người phân công những người khéo tay đảm nhận công việc trang trí và dựng cây nêu cũng như cử người có kinh nghiệm trong việc chọn trâu đi tìm mua trâu ở những địa phương khác. Một ngày trước khi lễ chính diễn ra, mọi người dựng hìu wèr, dựng cây nêu, làm dây cột trâu, hàng rào ngăn trâu… Mọi chuyện đâu đã vào đấy, dân bon chính
thức khai hội. Từ sáng sớm, dân bon đã tụ tập đông đủ tại hìu wèr. Bên ngoài quanh cây nêu, âm nhạc cồng chiêng cất lời mời gọi. Bên trong hìu wèr, cồng chiêng lại vang nhịp đối đáp. Âm thanh cồng chiêng vừa dứt, một thanh niên huýt sáo 3 lần mời gọi ông K’Iăh Brăh Yàng (thần núi Brăh Yàng) đến chung vui cùng dân bon và nhận lấy máu và thịt của con vật hiến tế. Già làng và một người nữa đứng trước cây nêu, khấn cầu Yàng cho mưa thuận gió hòa, cho cây lúa sinh sôi nảy nở, cho bông lúa trổ đều, cho hạt thóc chắc mẩy, cho vụ mùa bội thu, cho dân bon nhiều sức khỏe… Sau đó, con vật hiến tế được dâng lên Yàng.
Mọi người lấy một ống tre nhỏ (ding jrơ kà) cộng với than, rồi bôi máu con vật hiến sinh vào đó và đem cắm tại bờ ruộng, với mong ước Yàng sẽ chở che cho cây lúa không gặp phải gió bão, không bị các con vật phá hại. Kết thúc phần nghi lễ là đến phần hội với những trò chơi dân gian của các chàng trai cô gái trẻ. Trong khi những người trẻ vui chơi các trò chơi dân gian, một số đàn ông và đàn bà lại được dịp trổ tài nấu nướng. Từ thịt trâu, người K’Ho Srê chế ra thành nhiều món ăn khác nhau, đặc biệt là món Jă rơpu, một món ăn không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống. Già làng và những người có uy tín trong bon thì đón tiếp khách từ nơi xa đến tham dự trong hìu wèr. Mọi người cùng nhau ăn cơm, ăn thịt trâu, uống rượu cần, hát đối đáp rất vui vẻ. Những người khách đến dự cũng không quên mang theo một ít gạo và rượu để góp phần vào cuộc vui chung của dân bon. Thịt con vật hiến tế sau đó được chia đều cho mọi người, kể cả các vị khách đến từ những nơi xa. Mặt trời trôi dần về phía bên kia dãy núi cũng là thời điểm dân bon và khách rời hìu wèr để trở lại nhà. Tuy nhiên, những người khách khi ra khỏi hìu wèr lại được mời đến thăm nhà người thân và lại tiếp tục ăn uống, đánh cồng chiêng, hát đối… kéo dài tận khuya.
Thế rồi, lúa đến ngày trổ bông, người K’Ho Srê đánh dấu sự kiện này bằng lễ Nhô lir bờkao (Uống mừng lúa trổ bông). Tiếp theo là lễ Nhô lềr bong (Uống mừng lúa mới) khi vụ mùa kết thúc, thóc đã về đầy kho. Nhô lềr bong là Tết của người K’Ho Srê sau một năm đồng áng. Người K’Ho Srê tổ chức Nhô lềr bong để tiễn biệt năm cũ, đón năm mới, mùa vụ mới.
Cách thức tổ chức Nhô lềr bong tương tự cách thức tổ chức Nhô wèr, có điều quy mô lớn hơn và tính trọng thị cũng lớn hơn.
Tri thức nông nghiệp trong lễ hội
Cứ theo chiết tự mà truy thì “Srê” là ruộng. “K’Ho Srê”, tức người K’Ho làm ruộng. Ruộng thì phải có nước. Thế là người K’Ho Srê cứ nhắm những chỗ thấp trũng có nguồn nước chảy mà lập chân ruộng. Trong quá trình canh tác, người K’Ho Srê tự đúc tỉa kinh nghiệm để một mặt tăng năng suất và mặt khác giảm bớt sức lao động. Ngoài ra, người K’Ho Srê còn căn cứ theo chu kỳ trăng tròn trăng khuyết để chọn thời điểm gieo sạ thích hợp, giúp cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, tránh các dịch bệnh gây hại… Mặc cho công sức đổ ra trong một mùa vụ là không ít, nhưng chưa bao giờ người K’Ho Srê rời xa ý niệm về Yàng. Bao nhiêu rủi may nhóm dân này đều gửi nơi Yàng. Nhờ đó, nguyên tắc cân bằng giữa con người và tự nhiên được thiết lập. Con người không vì cái sự khôn quá của mình để rồi khinh thường tự nhiên, lấn át tự nhiên.
Sống trong ý niệm đó, ý niệm về N’Du Yàng Kòi, người K’Ho Srê đã làm dày thêm những tâm niệm yêu thương hòa hợp, bằng những nghi lễ cụ thể theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa nước như Nhô sih srê, Nhô rào jơng rơpu, Nhô wèr, Nhô lir bờkao, Nhô lềr bong… Trong lúc thực hành những nghi lễ cúng tế Yàng, các tri thức của người K’Ho Srê về đời sống, về tự nhiên, về lao động sản xuất… lần lượt xuất lộ. Người K’Ho Srê tổ chức nghi lễ nông nghiệp không chỉ là tạ ơn và cậy nương Yàng, còn là để cùng nhau ôn lại tri thức dân gian. Tri thức của địa sinh thái ruộng, một địa sinh thái có tính ổn định cao hơn hẳn địa sinh thái rẫy (mìr). Qua việc tổ chức các lễ nghi nông nghiệp, người K’Ho Srê chỉ dạy cho con cháu cách thức ứng xử với cộng đồng, với môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, nghi lễ nông nghiệp cũng là nơi để người K’Ho Srê trình diễn các giá trị văn hóa (cồng chiêng, múa xoang), nghệ thuật hội họa, cách thức bài trí (trang trí cây nêu, cột buộc trâu) và văn học dân gian (hát kể chuyện). Vì vậy, nó là cội nguồn của văn hóa Srê.
Thành Đồng