BVR&MT – Bãi than cháy không chỉ tác động đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân, các công nhân viên lao động. Vậy giải pháp nào để xử lý triệt để vấn đề này?
Ngày 6/7, người dân xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam bất ngờ phát hiện những cột khói trắng mờ đục bốc lên từ các bãi thải mỏ than Nông Sơn đóng trên địa bàn.
Các bãi thải than này thuộc quản lý của Than điện Nông Sơn (Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam). Đây là mỏ than duy nhất ở Quảng Nam được khai thác phục vụ nhà máy nhiệt điện đóng chân tại mỏ.
Về mặt xã hội, mỏ than là nơi tạo công ăn việc làm người dân bản địa, góp phần rất lớn vào sự phát triển của huyện miền núi Nông Sơn. Chính vì vậy, hiện tượng cháy bãi thải mỏ than Nông Sơn được dư luận chú ý.
Thực tế, theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, việc cháy than Nông Sơn đã diễn ra một số lần trước đó trong tháng 6/2021. Báo cáo từ xã Quế Trung thể hiện, ngày 28/5, khoảng 3m2 diện tích bãi thải than đã tự cháy nội sinh. Ngay sau đó, mỏ than Nông Sơn đã kịp thời xử lý vụ việc xong ngày.
Đến 15/6, bãi thải phía Bắc có phát sinh tự cháy nội sinh tự nhiên tại vị trí số 1 và số 2. Cụ thể, tại vị trí số 1 có 3 điểm cháy với diện tích khoảng 1.080m2; tại vị trí số 2 có 3 điểm cháy diện tích khoảng 1.260 m2.
Việc cháy than thải không chỉ tác động đến môi trường mà còn phần nào khiến cuộc sống người dân địa phương và cả những cán bộ, công nhân trong Than điện Nông Sơn bị ảnh hưởng. Vậy cần có những giải pháp căn cơ nào giải quyết bài toán cháy than bãi thải này?
Trả lời PV, ông Nguyễn Cao Cường, Chánh văn phòng Than điện Nông Sơn cho hay, mỏ than Nông Sơn có địa tầng là các lớp đất đá nằm kề sát trên lớp than có màu đen trong điều kiện nằm trong lòng đất (chưa được khai thác, bốc xúc) hoặc đã được khai thác (đã được khai thác bốc xúc chuyển ra bãi thải).
Nếu gặp nhiệt độ và độ ẩm thích hợp tự phát sinh phản ứng oxy hóa kèm theo nhiệt phát ra; khi nhiệt độ bị tích tụ đến trị số nhất định gây hiện tượng tự cháy một cách tự nhiên.
Thời gian qua, do điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác thường so với những năm qua kết hợp lượng mưa lớn cung cấp độ ẩm thích hợp đã tạo điều kiện thuân lợi cho việc tự cháy nội sinh tự nhiên các loại đất đá vách đã đổ thải ở bãi thải.
Thực tế, loại đất đá tự cháy này không phải là than, không sử dụng được nên phải đổ ra bãi thải. Như vậy việc cháy đá thải đang diễn ra tại mỏ than Nông Sơn là hiện tượng tự cháy rất tự nhiên của đất đá trên bãi thải mỏ.
Cũng theo đơn vị này, đầu năm 2021, ban Chỉ đạo dập cháy bài thải đã được thành lập cùng những kịch bản xử lý. Như đào bóc lớp đất đá, rải vôi bột, đổ vật liệu chống cháy lên để xử lý.
Về giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn, lãnh đạo Than điện Nông Sơn cho biết, đang triển khai khảo sát đánh giá đầu tư dự án tuyển rửa thu hồi than từ đất đá thải, đá xít thải để tận thu tài nguyên và xử lý triệt để nguồn cháy.
Hiện, đơn vị đang lập và trình mục tiêu Dự án lên cấp chủ quản của ngành than Việt Nam để phê duyệt vào đầu quý 3/2021. Dự kiến sẽ triển khai thi công vào năm 2022, khi Dự án hoạt động sẽ giúp mỏ than Nông Sơn đảm bảo tốt về môi trường.
Thực tế ghi nhận tại hiện trường của PV, sau cơn mưa sáng 6/7 tạnh, hiện tượng khói trắng ở các bãi thải than Nông Sơn cũng biến mất.
Trong khi đó, theo chính quyền huyện Nông Sơn, thời gian qua, các đoàn kiểm tra liên ngành huyện do phòng TNMT, công an cũng đã có nhiều buổi kiểm tra kết quả xử lý cháy bãi thải mỏ than Nông Sơn.
Ngành chức năng yêu cầu Than điện Nông Sơn tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung quy định trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã được bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và các quy định liên quan.
Bên cạnh đó, để xử lý dứt điểm nguồn gây cháy, yêu cầu triển khai biện pháp đổ thải các loại đất đá đen có tính tự cháy và giải quyết các loại đất đá có nguy cơ cháy.
Trong thời gian đến, yêu cầu Than điện Nông Sơn tiếp tục táng cường kiểm tra, giám sát các bãi thải cũ đã đổ trước đây để phát hiện xử lý kịp thời và tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp theo phương án để xử lý tốt hơn nữa khi có sự cố cháy bãi thải.