BVR&MT – Nằm tại trung tâm thành phố Sơn La, cách Lào 45 km về phía Nam, nhà tù Sơn La xây dựng trên ngọn đồi Khau Cả, bên dòng suối Nậm La, được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908. Đến năm 1962, Nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích Quốc gia. Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Sơn La chủ yếu để giam cầm thường phạm. Trong 15 năm (1930 – 1945) nơi đây đã giam giữ 1.007 lượt tù nhân cộng sản, là trường học cách mạng, nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Ban đầu nhà tù có diện tích 500m2 nhưng đến năm 1940, thực dân Pháp mở rộng lên 1.700m2.
Nhà tù Sơn La được chuyển thành Nhà ngục Sơn La với mục đích biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sỹ cộng sản Việt Nam. Cái tên “địa ngục trần gian” cũng xuất phát từ đó, đến tận bây giờ vẫn trở thành nỗi ám ảnh với nhân dân ta.
Trải qua 2 lần tàn phá bằng bom của giặc, di tích Nhà tù Sơn La không còn nguyên vẹn, những bức tường nhà ngục đổ nát là minh chứng cho tội ác dã man của kẻ thù. Cây đào Tô Hiệu, biểu tượng gắn với tên tuổi người Bí thư Chi bộ kiên trung của nhà tù vẫn đơm hoa kết trái mỗi độ mùa xuân về…
Nơi đây còn giam giữ nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương Ủy viên như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Hiệu, Nguyễn Đức Tâm, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Lê Thanh Nghị và nhiều đồng chí khác. Đặc biệt, Nhà tù Sơn La chính là nơi yên nghỉ của đồng chí Tô Hiệu, người lãnh tụ kiên cường và bất khuất của cách mạng Việt Nam trong thời gian bị giam cầm ở đây.
Khách du lịch tới đây sẽ được chứng kiến hàng trăm hiện vật, những công cụ tra tấn – những chứng tích sống về tội ác dã man của kẻ thù như còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn… mà chúng đã dùng để tra tấn những chiến sỹ cộng sản. Hiện nay, Nhà tù vẫn còn để nguyên trạng các xà lim ngầm, xà lim chéo, trại hai giam, trại ba giam cùng những phòng giam đặc biệt chỉ rộng 1,2m2, nơi từng giam hãm những người cách mạng.
Mỗi năm, tại di tích lịch sử nhà tù Sơn La đã đón tiếp hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập….Trở về với núi rừng Tây Bắc để được trải nghiệm, hồi tưởng lại lịch sử hào hùng diễn ra hơn một thế kỷ đã qua nhắc nhở thế hệ nối tiếp sống và làm theo những tấm gương anh hùng bất khuất, tiếp tục bảo vệ gìn giữ đất nước trọn vẹn mãi về sau.
Hoàng Tôn