BVR&MT – Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM ước tính tổng quy mô công suất phát điện từ rác đến năm 2030 khoảng 340 MW, tương ứng việc thu hồi năng lượng từ 15.000 tấn rác/ngày.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM nhận định lượng chất thải sinh hoạt rắn đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Thành phố có thể phải tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc đặt hàng bổ sung các đơn vị xử lý để giải quyết khối lượng rác phát sinh đến năm 2030.
Sớm xây dựng các nhà máy xử lý rác hiện đại
Theo Sở TN-MT TP HCM, hiện nay, 5 đơn vị đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với thành phố. Sở TN-MT đã làm việc và đề nghị các đơn vị này tiến hành chuyển đổi công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, có thu hồi năng lượng.
Đến nay, UBND TP HCM đã quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty CP Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn vào lưới điện quốc gia nên cả 2 dự án này đã chậm tiến độ, dù chủ trương đầu tư được chấp thuận từ năm 2019 và 2021.
Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện. Sở TN-MT TP HCM cũng đã đề nghị 2 doanh nghiệp này hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo nghiên cứu kỹ thuật để Bộ Xây dựng thẩm định.
TP HCM còn có 3 đơn vị đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ, gồm: Công ty CP Tasco, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày) và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM (1.000 tấn/ngày). Ngoài ra, TP HCM đang kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phương thức đối tác công – tư (PPP). UBND TP HCM đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định cơ sở để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, cho hay một số dự án triển khai chuyển đổi công nghệ từ sớm nhưng vướng mắc vì chờ Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt. Đến nay, quy hoạch này đã được phê duyệt thì các dự án tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. TP HCM đang hướng đến năm 2025 sẽ có các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại.
Sản xuất điện từ 15.000 tấn rác mỗi ngày
Đầu tháng 7-2023, Sở Công Thương đã cung cấp số liệu cho Viện Năng lượng – Bộ Công Thương để xây dựng Quy hoạch Điện VIII. Theo đó, tổng công suất 3 dự án của các công ty Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa, Tasco và dự án PPP là 164 MW.
Tuy nhiên, thông tin do Sở Công Thương TP HCM cung cấp chưa được Bộ Công Thương cập nhật nên tại tờ trình của bộ về việc ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, quy mô điện sinh khối và điện rác của TP HCM chỉ được ước tính 19 MW.
Theo Sở TN-MT, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ hiện đại, có thu hồi năng lượng tại TP HCM. Trên cơ sở rà soát lại 6 dự án, Sở TN-MT cho biết tổng công suất dự kiến là 240 MW.
Cụ thể, dự án của Công ty Vietstar có công suất phát điện 40 MW, Tâm Sinh Nghĩa 40 MW, Tasco 40 MW (xử lý 500 tấn rác sinh hoạt, 500 tấn rác công nghiệp và 120 tấn rác nguy hại/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam 60 MW, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị 20 MW và dự án PPP 40 MW (xử lý 2.000 tấn rác/ngày).
Ngoài ra, dự kiến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt có dấu hiệu gia tăng trở lại, Sở TN-MT ước tính quy mô nguồn điện từ khối lượng rác phát sinh này trong giai đoạn đến năm 2030 khoảng 100 MW.
Từ đó, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP HCM có văn bản đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác của thành phố là 340 MW (tương ứng thu hồi năng lượng từ khoảng 15.000 tấn rác/ngày) để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện các dự án.
Về việc tổng công suất các dự án nhà máy xử lý rác có thu hồi điện “bị hụt” theo tờ trình nêu trên của Bộ Công Thương, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay TP HCM đã làm việc và sở đã tổng hợp số liệu gửi bộ. Trong đó, Sở TN-MT đề xuất tổng công suất phát điện từ các dự án xử lý rác đến năm 2030 là 340 MW.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, sắp tới, ngành TN-MT sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình giảm ô nhiễm môi trường với các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI đã đặt ra. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TP HCM về cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước; triển khai phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải một cách hiệu quả nhất.
“Giai đoạn từ nay tới 2025 và hướng tới 2030 là hết sức quan trọng cho việc đầu tư trọng tâm công tác quản lý môi trường đã được quy định theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020” – Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM nhận xét. |