BVR&MT – “35 năm gắn bó với rừng, với kinh nghiệm và sự tâm huyết, bác Binh đã góp phần giữ màu xanh cho những cánh rừng đặc dụng ở Na Hang. Bác cũng là người “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ trong công tác bảo vệ rừng.”
Đây là chia sẻ của nhiều cán bộ ở Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang khi nói về ông Lê Hồng Binh, dân tộc Tày, nhân viên tuần rừng ở chốt Lũng Vai, Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng.
Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp ông Lê Hồng Binh, nhân viên tuần rừng ở chốt Lũng Vai, Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang.
Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Na Hang nên từ nhỏ ông Binh đã gắn bó với những cánh rừng. Năm 1978, sau khi xuất ngũ ông làm kiểm lâm viên rồi làm Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang kiêm Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung.
Năm 2008, ông nghỉ hưu theo chế độ và được Hạt Kiểm lâm ký hợp đồng làm nhân viên tuần rừng. Ông Binh chia sẻ, sau khi nghỉ hưu vì nhớ rừng nên ông tiếp tục làm công việc tuần tra, bảo vệ rừng.
Làm nghề này không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm, sức khỏe mà còn cần một tình yêu với rừng rất lớn mới có thể trụ được bởi các tuyến tuần rừng ở đây thường có đá tai mèo sắc nhọn, đi không cẩn thận là có thể bị thương, thậm chí thiệt mạng. Ngoài ra, trong rừng còn có nhiều loại rắn, rết độc, khi đi tuần rừng mỗi người phải tự trang bị cho mình vốn kiến thức cơ bản về các loài động thực vật và cách sơ cứu cơ bản.
Người bảo vệ rừng còn phải đối mặt mới những kẻ phá rừng. Bản thân ông Binh đã có lần suýt chết vì bị các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tấn công.
Ông Binh nhớ lại vào một đêm giáp Tết Nguyên đán 2018, khi đang ngồi ở chốt, ông được người dân thông báo nghe thấy có tiếng cưa phát ra từ khu rừng mà ông được phân công bảo vệ. Nghi có người đang cắt xẻ gỗ trên rừng nên ông Binh cùng một số thành viên ở chốt đã đi bộ tìm đến nơi phát ra tiếng cưa.
Để giữ bí mật nên trên đường đi mọi người không dùng đèn pin dù trời rất tối. Sau khoảng 4 tiếng đồng hồ đi bộ, ông Binh cùng mọi người đã đến gần địa điểm phát ra tiếng cưa. Lúc này các đối tượng khai thác gỗ trái phép phát hiện có người đến nên đã ẩn nấp.
Trong khi ông Binh lên tiếng vận động các đối tượng ra tự thú, bất ngờ một đối tượng đã ném đá vào mặt ông. Máu chảy nhiều khiến một nhân viên tuần rừng phải dìu ông Binh về chốt, những người khác ở lại bảo vệ hiện trường.
Sau khi ông Binh được đưa về đến chốt, trời bất ngờ đổ mưa to, chốt lại đặt trên hồ nên lực lượng từ Trạm và Hạt Kiểm Lâm không thể đến hỗ trợ ngay.
Đến sáng hôm sau, mọi người mới có thể đưa ông Binh đi bệnh viện; sau đó ông phải phẫu thuật do bị rạn xương gò má, đứt các mạch máu dưới hốc mắt.
Anh Bùi Đức Hòa, nhân viên tuần rừng chốt Lũng Vai, cho biết dù đã 65 tuổi nhưng nhiệt huyết trong công việc và sự dẻo dai của bác Binh thì không thua kém bất kỳ nhân viên tuần rừng nào.
Không chỉ là “người hùng” trong bảo vệ rừng, bác Binh còn là một “cuốn từ điển” về các loại động, thực vật ở rừng đặc dụng Na Hang. Bác luôn tận tình chỉ bảo, chia sẻ kinh nghiệm đi rừng cho anh em, động viên mọi người vượt qua khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt công việc được giao.
Theo anh Lục Văn Thiên – Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng, Lũng Vai là chốt duy nhất của Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng, quản lý gần 1.200ha rừng đặc dụng, gồm 10 khoảnh và 86 lô rừng nằm trên địa bàn hai xã Khâu Tinh và Côn Lôn, huyện Na Hang.
Những cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng của chốt phải đi tuần trên 4 tuyến chính trong đó tuyến xa nhất cách chốt Lũng Vai 12km đường rừng. Khối lượng công việc rất lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực của mọi người nên nhiều năm qua công tác quản lý, bảo vệ rừng được đảm bảo, trên địa bàn không xảy ra vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ rừng.
Với những đóng góp trong công tác bảo vệ rừng, ông Binh đã nhận được nhiều giấy khen của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, với ông niềm vui không phải chỉ ở những tấm giấy khen mà là ở việc ông và các cán bộ kiểm lâm đã góp phần ngăn chặn nhiều vụ phá rừng để rừng không bị mất những lâm sản quý.