BVR&MT – Đêm giữa rừng già nghìn tuổi của Vườn Quốc gia Pù Mát là cái lạnh thấu xương. Chốc chốc lại nghe tiếng vượn hú lạnh sống lưng và cả tiếng cây cổ thụ già mục bị đổ rầm rầm bởi không chống nổi những trận gió lớn trong đêm.
Những chiếc võng có túi ngủ dày như những chiếc chăn phao để chống lại cái rét giữa rừng già bất kể những lúc trời hè nắng oi ả
Trong những ngày đi cả tuần lễ cùng với đoàn nghiên cứu khoa học thuộc Phòng khoa học, Vườn Quốc gia Pù Mát chúng tôi đã có những trải nghiệm ít ai biết. Sau cả ngày dài hành quân vượt qua những đồi núi, triền dốc, bước chân trên những thảm rừng già nghìn năm tuổi, trời đã xế chiều cả đoàn lại dừng chân lại bên khe nước.
7 ngày trong rừng chúng tôi đều nghỉ chân ở 7 khe nước, đây là những điểm chỉ người thông thuộc đường rừng mới biết. Giữa rừng xanh bạt ngàn không phải đâu cũng tìm được nước và chỉ có những khe hơi phẳng mới có nước để nấu ăn, để múc đưa đi cho những ngày sau. Cho nên có những hôm 16 giờ chiều đoàn đã phải dừng chân bởi không thể kịp đi đến khe nước tiếp theo, nhưng có hôm phải gắng đi đến hơn 18h30 đoàn mới được nghỉ.
Một điều nữa khiến những người lần đầu tiên đi vào rừng già nghìn năm không lường được trước. Ngày hành quân liên tục nên chúng tôi không cảm nhận được cái lạnh và vẫn chưa biết tác dụng của những thứ chăn phao, ni lông tấm mà trước đó chúng tôi nói là dư thừa trong hành lý. Ấy vậy mà chỉ cần dừng lại dăm phút đã thấy cái lạnh len lỏi khắp cơ thể.
Tại các điểm nghỉ chân những phu rừng nhanh chóng dựng lán, còn chúng tôi người nhóm lửa, người đi kiếm củi, người đi chặt dây rừng, người thì mắc võng cho các thành viên và che trên mái võng…
Khi bếp lửa bừng lên thì trời giữa rừng cũng đã chìm vào bóng đêm. Lúc này chúng tôi mới có thời gian đi tắm dưới khe nước rồi tháo dép rọ ra gỡ từng con vắt rừng bám vào xà cạp. Từ đêm đầu tiên chúng tôi bắt đầu cảm nhận được câu nói “rừng thiêng nước độc”. Giữa mùa hè xứ Nghệ nóng như chảo lửa nhưng giữa rừng già nghìn năm tuổi Pù Mát lạnh đến thấu xương. Vội vàng làm bát rượu được các phu rừng lam lên trong ống giang người mới ấm lại được chút ít.
Rồi bữa cơm trong rừng diễn ra chóng vánh. Chúng tôi lại theo những dân bản xuống suối bắt cua đá, cá khe. Giống cua đá cứ cơm nhai nhả đầu nguồn nước chỉ mươi phút chúng bò ra ăn là bắt được. Cảnh về đêm vui vậy nhưng khi về khuya mới đúng là nỗi đáng sợ thực sự với những người lần đầu đi rừng như tôi. Gió thốc liên hồi lạnh buốt, đã mặc áo ấm, chui vào túi ngủ dày nhưng vẫn không hết rét. Chiếc võng gió cứ tự đung đưa như có ai lắc.
Nỗi sợ của rừng xanh chưa hết khi đêm về khuya có những lúc đang say giấc bỗng giật mình tỉnh dậy bởi tiếng hú của con vượn nào đó tìm bạn tình hay tiếng một con thú hoang giữa rừng đêm. Cũng có những hôm gió lớn thổi liên hồi những cây cổ thụ cả nghìn năm tuổi đã bị chết, mục rỗng không chịu được ngã rầm rầm xuống giữa rừng đêm. Đến lúc này chúng tôi mới hiểu vì sao khi dựng lán nghỉ các phu rừng là người bản địa phải nhìn kỹ xung quanh. Nơi nghỉ an toàn phải có những cây lớn còn vững chãi bao bọc.
Trước khi chìm sâu vào giấc khuya, anh Vi Văn Tiệp – Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát đều đến võng của từng thành viên xem xét và căn dặn cụ thể. Ví như mỗi khi bước chân xuống võng phải dọi đèn kiểm tra cẩn thận đề phòng rắn độc. Bếp lửa cũng được nhóm kỹ trước khi đi ngủ để không tắt giữa chừng bởi nơi khe suối cũng là nơi các loài thú thường xuống uống nước nên để lửa đuổi thú cho an toàn. Những đêm dài như thế chúng tôi cảm nhận được cái sức hấp dẫn mang màu sắc rùng rợn ở nơi rừng thiêng nước độc qua nghìn năm qua.
Khi đêm tàn lại tiếng vượn hú gọi bầy buổi sáng đánh thức tất cả dậy cho một hành trình ngày mới. Những con dốc, khoảng rừng rậm dày của những cây cổ thụ ngàn năm đang đón đợi chúng tôi ở phía trước …