BVR&MT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy rừng; chế độ, chính sách trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tại, các quy định về hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng đang được điều chỉnh bởi một số văn bản như: Luật Lâm nghiệp; Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; các quy định chung về phòng cháy chữa cháy được quy định tại Luật Phòng cháy chữa cháy, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy và các Thông tư hướng dẫn thi hành; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/03/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Do có nhiều văn bản như trên nên việc áp dụng các quy định về chi cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng, như: trực, chi bồi dưỡng, chi tiền ăn, chi tiền thăm hỏi (trường hợp bị thương, ốm đau) cho người trực tiếp được huy động, hoặc tự nguyện tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng… địa phương rất khó thực hiện.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn bộc lộ một số hạn chế: Lực lượng đông nhưng không được tổ chức chặt chẽ, điều hành còn lúng túng, phương án chữa cháy trong trường hợp cụ thể chưa sát thực tế. Chế độ thông tin trong chữa cháy rừng chưa kịp thời và chính xác; chưa thông suốt, vì vậy chưa nắm bắt và nhận định sát tình hình diễn biến của đám cháy, để phục vụ cho công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng chưa được bồi dưỡng, chi trả công chữa cháy rừng thoả đáng nhằm động viên, khích lệ, nguồn kinh phí cho chữa cháy rừng hạn chế nên trong quá trình chữa cháy rừng chưa làm tốt khâu hậu cần.
Từ các lý do nêu trên, việc ban hành Thông tư hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy rừng, chế độ, chính sách trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng là hết sức cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Thông tư hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy rừng; chế độ, chính sách trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hướng dẫn cụ thể các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiện đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về Lâm nghiệp, về phòng cháy chữa cháy, về phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và các văn bản có liên quan. Đồng thời, góp phần hoàn thiện, đồng bộ giữa hệ thống pháp luật về Lâm nghiệp, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật về phòng chống thiên tai.
Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy rừng
Theo dự thảo, phòng cháy, chữa cháy rừng cần đảm các bảo nguyên tắc sau:
1. Chủ động, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thiết bị cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và các lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Thông tin về nguy cơ và cháy rừng phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chính quyền địa phương và cơ quan chủ trì về phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi cháy rừng xảy ra, bao gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
4. Chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ các lực lượng được huy động tham gia chữa cháy rừng.
5. Trong quá trình chữa cháy rừng, ưu tiên bảo đảm an toàn cho người, tài sản, các công trình, phương tiện hoạt động trong phạm vi khu vực cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng.