BVR&MT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Trong đó, Bộ đề xuất quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, trước diễn biến bất thường, cực đoan của thiên tai, đe dọa đến sự an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, một số địa phương đã chủ động ban bố “Tình huống khẩn cấp” về thiên tai trên địa bàn nhằm triển khai, áp dụng các biện pháp ứng phó khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, việc ban bố “Tình huống khẩn cấp” về thiên tai của các địa phương chưa chưa thống nhất. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung số 60/2020/QH14 đã giao Chính phủ quy định chi tiết về tình huống khẩn cấp về thiên tai để các địa phương có thể kịp thời ứng phó với các trường hợp thiên tai trên địa bàn.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung Điều 5a vào sau Điều 5 quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai. Theo đó, dự thảo đề xuất quy định rõ các tình huống được công bố, điều kiện được công bố như sau: (1) Tình huống sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai; (2) Tình huống thiên tai đã, đang xảy ra hoặc dự báo rủi ro cấp độ 4 trở xuống theo bản tin của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; (3) Tình huống thiên tai đã, đang xảy ra nhưng không được dự báo. Điều kiện công bố tình huống khẩn cấp là khi các tình huống trên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc dự báo có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội.
Đồng thời, đề xuất quy định cụ thể nội dung nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gồm: Sự cố công trình phòng, chống thiên tai; sự cố công trình xây dựng do thiên tai; loại hình thiên tai; diễn biến, phạm vi ảnh hưởng; mức độ hư hỏng đối với sự cố công trình hoặc cường độ (mức độ), cấp độ rủi ro thiên tai; thiệt hại, nguy cơ gây thiệt hại; các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả để ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra; phân công trách nhiệm ứng phó, khắc phục hậu quả; đề xuất, yêu cầu hỗ trợ từ cấp trên, các địa phương lân cận, các cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có).
Dự thảo cũng đề xuất quy định trách nhiệm và trình tự quyết định công bố tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp đối với sự cố công trình phòng chống thiên tai; sự cố công trình xây dựng do thiên tai; thiên tai rủi ro cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 hoặc thiên tai đã, đang xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn cấp tỉnh. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công bố tình huống khẩn cấp đối với sự cố công trình phòng chống thiên tai; sự cố công trình xây dựng thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý bị sự cố do thiên tai. Trường hợp thiên tai, sự cố nghiêm trọng vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ đề xuất Thủ tướng Chính phủ công bố tình huống khẩn cấp trên phạm vi cấp vùng.
Bên cạnh đó, đề xuất biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả trong tình huống khẩn cấp về thiên tai bao gồm: (1) Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán; (2) Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn; (3) Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; (4) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp các nguồn lực từ dự trữ quốc gia, dự phòng ngân sách và các nguồn lực hợp pháp khác để xử lý các tình huống khẩn cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo; (5) Huy động mọi nguồn lực để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai; (6) Các biện pháp cần thiết khác.