BVR&MT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản. Trong đó đề xuất bổ sung quy định về khai thác chính, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.
Bộ NN&PTNT cho biết, rừng nghiên cứu thực nghiệm là rừng đặc dụng theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng (Nghị định số 117), rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học được phép khai thác lâm sản theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt.
Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ NN&PTNT quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117; trong đó quy định các Ban quản lý rừng đặc dụng lập Đề án sử dụng bền vững tài nguyên rừng tại Điều 21 Nghị định số 117 trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, việc xây dựng Đề án sử dụng bền vững tài nguyên rừng chỉ phù hợp đối với trường hợp khai thác chọn để điều tiết mật độ và điều chỉnh loài.
Đối với trường hợp khai thác trắng, tận dụng, tận thu lâm sản đối với rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học sau khi đã hoàn thành các mục tiêu theo chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, nên gặp vướng mắc khi khai thác rừng để hoàn vốn đầu tư.
Do vậy, tại dự thảo, Bộ NN&PTNT đã đề xuất bổ sung quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản, để tháo gỡ vướng mắc trên.
Cụ thể, khai thác và tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 21 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
Rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học sau khi đã hoàn thành chương trình, mục tiêu dự án và được nghiệm thu, đánh giá kết quả chủ rừng tự quyết định việc khai thác, tận dụng, tận thu gỗ. Trước khi khai thác, tận dụng, tận thu chủ rừng báo cáo bằng văn bản về mục đích khai thác, địa danh và khối lượng khai thác gửi Tổng cục Lâm nghiệp (đối với đơn vị Trung ương) hoặc Sở NN&PTNT (đối với đơn vị thuộc tỉnh) để tổng hợp báo cáo, theo dõi và giám sát trong quá trình thực hiện. Chủ rừng tổ chức khai thác, tận dụng, tận thu theo quy định; đo đếm tính toán khối lượng và lập bảng kê lâm sản sau khi khai thác, tận dụng, tận thu.
Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.