BVR&MT – Trên địa bàn tỉnh hiện còn 54.000 ha rừng luồng và 1.000 ha rừng trồng nứa, vầu chưa được thâm canh, bón phân chăm sóc. Bên cạnh đó, diện tích trồng rừng bằng các loại cây giống lâm nghiệp được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô còn hạn chế. Toàn tỉnh mới chỉ có 3.200 ha rừng được trồng bằng các loại cây giống lâm nghiệp được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô nên chất lượng rừng trồng vẫn còn thấp.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất rừng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân là hết sức cần thiết, ngày 8-12, tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh đã phân công Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Cao Văn Cường trình bày tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Trong đó có nhiều chính sách mới về hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây giống nuôi cấy mô; thâm canh rừng trồng luồng, nứa, vầu; làm đường lâm nghiệp vùng trồng rừng sản xuất tập trung cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Về hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây giống nuôi cấy mô. Đối tượng hỗ trợ gồm: Các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân thực hiện trồng rừng sản xuất bằng cây giống nuôi cấy mô. Điều kiện hỗ trợ là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận khoán đất rừng sản xuất để trồng rừng sản xuất. Diện tích trồng rừng sản xuất bằng cây giống nuôi cấy mô phải đảm bảo từ 1 ha trở lên đối với hộ gia đình, cá nhân và từ 20 ha trở lên đối với tổ chức. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 1.300 đồng/cây giống, tối đa không quá 200 triệu đồng/ha.
Về hỗ trợ thâm canh rừng trồng luồng, nứa, vầu. Đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thâm canh rừng trồng luồng, nứa, vầu. Điều kiện hỗ trợ là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận khoán đất rừng sản xuất đã trồng luồng, nứa, vầu trên địa bàn 7 huyện, gồm: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Diện tích rừng trồng luồng, nứa, vầu phải đảm bảo từ 0,5 ha trở lên đối với hộ gia đình, cá nhân và từ 10 ha trở lên đối với tổ chức. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ chi phí mua phân bón, với mức 2,5 triệu đồng/ha/năm; thời gian hỗ trợ 2 năm đầu thực hiện thâm canh rừng trồng luồng, nứa, vầu.
Về hỗ trợ làm đường lâm nghiệp vùng trồng rừng sản xuất tập trung. Đối tượng hỗ trợ là UBND cấp xã có vùng trồng rừng sản xuất tập trung. Điều kiện hỗ trợ diện tích rừng trồng thuộc đối tượng rừng sản xuất tập trung từ 200 ha trở lên. Đường lâm nghiệp đảm bảo theo tiêu chuẩn TCVN 7025: 2002; các ngầm qua suối được cứng hóa bằng bê tông. Mức hỗ trợ: cứ 200 ha rừng trồng tập trung được hỗ trợ 500 triệu đồng để làm đường lâm nghiệp (không hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng; lập hồ sơ; kiểm tra, giám sát cộng đồng và sửa chữa, bảo dưỡng).
Về hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đối tượng hỗ trợ gồm: Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên kết hình thành nhóm hộ; hoặc liên kết với các doanh nghiệp. Điều kiện hỗ trợ: Diện tích rừng trồng tập trung được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) từ 300 ha trở lên. Có hợp đồng đánh giá, giám sát hàng năm với đơn vị tư vấn chứng nhận cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Mức hỗ trợ: hỗ trợ một lần là 300.000 đồng/ha.