BVR&MT – Tiêu thụ ít thịt hơn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Tây Ban Nga giảm thiểu tác động từ tình trạng khẩn cấp về khí hậu, làm chậm quá trình sa mạc hóa cũng như bảo vệ ngành du lịch.
Trả lời phỏng vấn tờ Guardian, Bộ trưởng Tiêu dùng Tây Ban Nha Alberto Garzón cho rằng người dân nước này cần nhận thức về tác động to lớn của việc ăn thịt – đặc biệt là thịt bò được nuôi tại những siêu trang trại – gây ra với môi trường cũng như thay đổi thói quen ăn uống của họ.
Theo ông, người dân không cần ngừng ăn thịt hoàn toàn nhưng nên ăn ít đi vì sức khỏe và môi trường.
Ông Garzón cho hay: “Người dân có xu hướng gắn khí nhà kính với ô tô và phương tiện giao thông. Chỉ gần đây, mọi người mới bắt đầu nhìn vào tác động của chuỗi tiêu thụ động vật và đặc biệt là tác động của thịt bò. Các quốc gia khác đã khá tiên tiến về điều đó. Nhưng ở Tây Ban Nha, đó là điều cấm kị”.
Một báo cáo mới đây cho thấy 20 công ty chăn nuôi gia súc đã thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính hơn cả một quốc gia như Đức, Anh hay Pháp.
Bộ trưởng Garzón giải thích điều kiện địa lý của Tây Ban Nha khiến quốc gia này dễ bị tổn thương hơn bởi biến đổi khí hậu, thậm chí có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. “Nếu không hành động, chúng ta sẽ không chỉ đối mặt với biến đổi khí hậu đơn thuần, mà nó sẽ là cuộc khủng hoảng kép: mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và biến đổi khí hậu”, ông nhấn mạnh.
Quan chức này cho biết trung bình người dân Tây Ban Nha ăn hơn 1 kg thịt mỗi tuần mặc dù cơ quan lương thực khuyến cáo chỉ nên ăn 200 – 500 gram. Người dân Tây Ban Nha cũng tiêu thụ nhiều thịt hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Quốc gia đã giết mổ khoảng 70 triệu con gia súc, gia cầm mỗi năm.