BVR&MT – Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được công bố ngày 21/6 là kết quả từ nhiều quyết sách và giải pháp để phát triển về mọi mặt miền Đất Chín Rồng mà Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra trong những năm qua.
Đó là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13–NQ/TW. Đó là Quyết định số 825/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025…
Trong thời gian tới, chìa khóa thành công để đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long trở nên giàu mạnh là sớm thực hiện quyết liệt bản quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu của quy hoạch là phấn đấu đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.
Từ các nghị quyết tới quy hoạch vùng
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 diễn ra ở Cần Thơ vào ngày 21/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 278/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định 287/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính gồm phạm vi, ranh giới lập quy hoạch; quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; phương hướng phát triển ngành có lợi thế; phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng; phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng; danh mục chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và 13 địa phương trong vùng nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg.
Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long là nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch xác định các đột phá mang tính chiến lược như: Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế – xã hội – môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm.
Biến thách thức thành cơ hội, “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ…
Thực hiện tốt quy hoạch – chìa khóa thành công
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ vừa phê duyệt được lãnh đạo 13 địa phương trong vùng, các nhà khoa học trong nước và cả các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Thay mặt Ngân hàng Thế giới (WB), bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được cột mốc quan trọng là công bố bản Quy hoạch rất được mong đợi cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thành quả của cách tiếp cận mới mang tính toàn diện và chiến lược đối với sự phát triển vùng, thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu của vùng. Quy hoạch nêu bật tư duy và tầm nhìn mới cho khu vực. Quy hoạch cũng đưa ra những cơ hội to lớn để tạo ra các giá trị mới và mang lại sự chuyển đổi, cũng như tiềm năng tăng trưởng xanh, bền vững, đồng đều và thịnh vượng lâu dài trong khu vực.
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: Việc tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được tổ chức rất kịp thời, ngay sau Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 (ngày 4/6). Quy hoạch tổng thể cũng quan trọng như la bàn của con tàu. Nếu một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình dưới danh nghĩa tự lực cánh sinh, chuyển ruộng lúa thành khu công nghiệp thì thu nhập của tỉnh có thể tăng lên trong thời gian ngắn, nhưng đây không phải là giải pháp bền vững. Bởi vì cách thức theo đuổi lợi nhuận phần nào liều lĩnh và hơi “ích kỷ” này, nếu thiếu sự quản lý chung và hướng tới mục tiêu chung sẽ khiến sự tự cường của Việt Nam gặp trở ngại. Quy hoạch tổng thể đã thể hiện tốt quan điểm về sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam nói chung.
Thay mặt các nhà khoa học Việt Nam, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đánh giá: Chúng ta đã có quy hoạch tốt, nhưng khó khăn nhất vẫn là thực hiện, làm thế nào để tổ chức liên kết vùng, làm thế nào để đưa hết thành phần kinh tế, các đối tác trong và ngoài nước vào đầu tư, phát triển tại địa bàn này. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, chúng ta đã có bài học tốt qua sự tham gia của các chuyên gia Hà Lan. Hà Lan là nước phải đối đầu với thách thức nước biển dâng, nhưng hiện nay đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu nông sản.
Về phần mình, bà Nienke Trooster, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan, cho biết: Để đạt mục tiêu đưa Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng đất thích ứng phát triển kinh tế và đáng sống cho người dân của cả thế hệ hiện tại và tương lai thì cần một cách tiếp cận tổng hợp thông qua hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và có giá trị cao, thuận thiên thông qua trồng rừng ngập mặn, khai thác cát bền vững.
Hiện tại có một thực tế là rất nhiều khu đất sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long đang được sử dụng ít hiệu quả so với tiềm năng. Chúng ta cần phải chuyển đổi từ thâm canh lúa sang các loại cây rau quả có giá trị cao hơn hoặc để nuôi trồng thủy sản.
Dựa trên kinh nghiệm của Hà Lan, bà Nienke Trooster khuyến nghị nên thực hiện quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long theo nguyên tắc một mặt là thuận thiên và phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên, mặt khác lấy nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường làm nguyên tắc hàng đầu.
Còn theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, việc chuyển từ tầm nhìn và quy hoạch sang thực hiện luôn là một thách thức, đã có một số xu hướng bộc lộ cần được giải quyết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Carolyn Turk khuyến nghị: Quy hoạch vùng cần đi kèm với một Chương trình hành động chiến lược và khả thi, trong đó xác định rõ ràng các ưu tiên đầu tư trong khung thời gian và với nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội nhất định. Việc thực hiện quy hoạch sẽ đòi hỏi cách tiếp cận của toàn bộ chính phủ. Cần có chỉ đạo rõ ràng và thống nhất về vai trò và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan chính, đồng thời đảm bảo sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan và giữa các cấp quản lý. Quy hoạch phải thích ứng và linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Từ góc độ một địa phương trong vùng quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nêu kiến nghị với Chính phủ về cơ chế, chính sách: Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút được đầu tư trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế, tỉnh đề nghị Trung ương cho phép các tỉnh trong vùng nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư hoặc cho phép các tỉnh thí điểm thực hiện các cơ chế thu hút đầu tư để qua đó đề xuất với Trung ương ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp, giúp cho từng tỉnh, từng tiểu vùng và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo được sự đột phá trong thu hút đầu tư, khai thác được tiềm năng, lợi thế, bắt kịp tốc độ phát triển chung của cả nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Các bộ, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long theo thẩm quyền, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì cùng thảo luận, bàn bạc, tập trung giải quyết. Các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cần tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực hỗ trợ từ quá trình xây dựng quy hoạch đến tài trợ các chương trình, dự án nhằm triển khai thực hiện quy hoạch vùng, địa phương.