Đẩy mạnh sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, trách nhiệm ở Tây Nguyên

BVR&MT – Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là vật tư nông nghiệp quan trọng trong sản xuất, được xem là yếu tố quyết định đến chất lượng, sản lượng, giá thành và đầu ra của nông sản. Tuy nhiên, do kiến thức hạn chế, thời gian qua vẫn còn hiện tượng nhiều người dân ở Tây Nguyên sử dụng phân bón, thuốc BVTV chưa tuân thủ đúng kỹ thuật. Để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững, cần phải tiếp tục đẩy mạnh sử dụng phân bón, thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, trách nhiệm cho người dân.

Người dân ở Đắk LắK kiểm tra sâu bệnh gây hại cho cây cà-phê. (Ảnh: Công Lý)

Tây Nguyên là vùng có diện tích đất đỏ bazan lớn nhất nước. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm mát mẻ, nơi đây có nhiều thuận lợi để phát triển các cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Nỗ lực chuyển giao kỹ thuật, kiểm soát vật tư đầu vào

Cục Bảo vệ thực vật nhận định, mặc dù là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm nhưng trước đây quy mô sản xuất các loại cây trồng ở Tây Nguyên còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Việc lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV dẫn đến dư lượng trong nông sản như cà-phê, hồ tiêu… còn cao. Chất lượng sản phẩm không đồng đều, xảy ra hiện tượng thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, gây hại cho sức khoẻ con người và môi trường.

Để hạn chế côn trùng tấn công cây trồng, người dân ở Tây Nguyên đã sử dụng bẫy để dẫn dụ.

Trước tình hình trên, Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình để phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên. Trong đó phải kể đến Dự án VnSAT hỗ trợ phát triển cà-phê bền vững. Cụ thể từ năm 2017-2020, Cục BVTV thực hiện gói hỗ trợ kỹ thuật “Kiểm tra, giám sát và hỗ trợ chỉ đạo phòng trừ dịch hại trên cây lúa và cây cà-phê” thuộc dự án VnSAT.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, trong bốn năm, Cục Bảo vệ thực vật đã cử tám đoàn công tác vào kiểm tra, giám sát hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống các đối tượng sinh vật gây hại trên cây cà-phê cho các tỉnh Tây Nguyên. Hướng dẫn các địa phương căn cứ vào tình hình sinh trưởng của cây cà-phê và diễn biến của sinh vật gây hại để làm tốt công tác dự tính dự báo và phòng, trừ sinh vật gây hại. Củng cố và nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống giám sát sinh vật gây hại cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và mạng lưới dự báo viên ở Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.

Trong chương trình phát triển hồ tiêu bền vững, từ năm 2018-2019, Cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại một số tỉnh Tây Nguyên”, cụ thể tại ba tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Sau hai năm thực hiện, nhiều vườn tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm đã phục hồi hơn 80%. Năng suất tăng trung bình 27%. Lãi thuần đạt trung bình 47 triệu đồng/ha và cao hơn so với mô hình đối chứng trung bình 15 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình vượt so với sản xuất đại trà trung bình 53%.

Từ năm 2018-2020, Cục BVTV tiếp tục thực hiện dự án “Mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp” tại sáu tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Cục BVTV còn phối hợp với Tổ chức sáng kiến Thương mại bền vững Hà Lan (IDH) triển khai Chương trình phát triển Tây Nguyên bền vững (gọi tắt là ISLA) nhằm kết nối khối công và tư cùng thiết kế và đầu tư thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, nước, rừng bảo đảm phát triển bền vững. Trong đó, Cục BVTV phối hợp thực hiện hai hợp phần “Quản lý hóa chất nông nghiệp” và “Chương trình cảnh quan cà-phê”.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ ở xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột (Đắk LắK) phát triển xanh tốt.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Lê Văn Thành cho biết, các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp của địa phương cũng như các chương trình Cục Bảo vệ thực vật phối hợp thực hiện đã giúp người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, giảm bón phân hóa học, thuốc BVTV, tăng cường bón phân hữu cơ, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nhà nông. Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 700 nghìn ha, hiện nay lượng thuốc BVTV sử dụng ở Đắk Lắk khoảng 1.700 tấn/năm. Trong đó, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 340 tấn/năm chiếm khoảng 20%. So với năm 2015, lượng thuốc BVTV sử dụng ở Đắk Lắk giảm 250 tấn, tương đương 13%. Bình quân 1 ha đất sản xuất người dân sử dụng 2,54 kg thuốc bảo vệ thực vật, trong khi năm 2015 con số này là 3,1 kg, giảm được 0,56 kg/ha.

Dự kiến lượng thuốc BVTV sử dụng trong tới sẽ tiếp tục giảm. Đối với vấn đề phân bón, năm 2021 tỉnh Đắk Lắk sử dụng 1.227.000 tấn/năm, phân vô cơ chiếm 60%, phân hữu cơ chiếm 40%. So với năm 2015, lượng phân bón sử dụng tăng 127.000 tấn/năm, tuy nhiên lượng phân bón vô cơ giảm 49.000 tấn/năm, giảm 11%; phân bón hữu cơ tăng 176.000 tấn/năm, tương đương 11%.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV ở Tây Nguyên những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng thuốc BVTV sử dụng tại khu vực là 2,54 kg/ha, thấp hơn lượng thuốc sử dụng trung bình cả nước khoảng 33%. Lượng phân bón vô cơ sử dụng trung bình là 989 kg/ha gieo trồng, phân bón hữu cơ sử dụng trung bình 1.400 kg/ha gieo trồng. Ngoài ra, khu vực này còn sử dụng khoảng 10 tấn phân bón hữu cơ do nông dân tự sản xuất từ các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Cho Tây Nguyên thêm xanh

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc hướng dẫn người dân ở Tây Nguyên sử dụng thuốc BVTV, phân bón an toàn, hiệu quả nhưng việc triển khai các chương trình này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các tỉnh vùng Tây Nguyên hiện có khoảng 3.700 cơ sở buôn bán thuốc BVTV, chiếm 12% tổng số các cơ sở buôn bán thuốc BVTV của cả nước. Số lượng cơ sở kinh doanh, cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV và phân bón trên địa bàn nhiều nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, buôn bán theo thời vụ cho nên công tác thanh tra, kiểm tra phân bón, thuốc BVTV gặp nhiều khó khăn. Do thiếu nhân lực, nguồn lực nên số lượng cơ sở được kiểm tra, số mẫu phân bón, thuốc BVTV kiểm tra chất lượng còn ít so với thực tế đang lưu thông trên thị trường. Ở một số nơi, người dân chưa tuân thủ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo hướng dẫn kỹ thuật.

Để nông nghiệp ở Tây Nguyên phát triển bền vững, chất lượng và giá trị nông sản ngày một nâng cao, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, chúng tôi đề xuất xây dựng và ban hành, triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá trong lĩnh vực BVTV của địa phương về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); Khuyến khích về sản xuất, chuyển giao và sử dụng tác nhân sinh học phòng chống sinh vật gây hại cũng như đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV.

Nghiên cứu tỷ lệ bón phân cân đối vô cơ-hữu cơ, các công thức phân bón sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp với từng chân đất, loại cây trồng hoặc thời vụ khác nhau trên cơ sở đánh giá thực trạng phì nhiêu đất, nhu cầu dinh dưỡng cho các cây trồng, tình trạng thất thoát dinh dưỡng. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm cân đối và hiệu quả gắn với chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của một số địa phương và mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, từng bước nhân rộng điển hình…