BVR&MT – Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của chương trình OCOP Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh liên kết, bắt tay, hợp tác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất hàng hóa.
Một trong những thành công mà chương trình OCOP Quảng Ninh giai đoạn 2013-2016 đạt được là xây dựng các mối liên kết trong sản xuất. Điển hình như liên kết giữa các hộ sản xuất, tổ chức, cá nhân qua mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác; liên kết giữa “4 nhà”; liên kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ…
Qua đó, góp phần tăng cả về số lượng các đơn vị tham gia sản xuất, cũng như chất lượng sản phẩm OCOP. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 215 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP với tổng vốn đăng ký 250 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động địa phương. Chương trình đã phát triển 238 sản phẩm, trong đó: 85 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, doanh số bán sản phẩm đạt trên 670 tỷ đồng.
Giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh sẽ tập trung đẩy mạnh các mối liên kết theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, tập trung phát triển các khối kinh tế tư nhân, tập thể…
Bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong cho biết: Ngoài việc liên kết với nông dân sản xuất, thời gian tới, HTX sẽ xây dựng liên hiệp HTX nhằm huy động nguồn lực vừa sản xuất vừa tiêu thụ bằng cách xây dựng chuỗi bán hàng ở các địa phương. Như vậy, các cửa hàng vừa là để trực tiếp giao dịch với nông dân, vừa là điểm cung cấp thực phẩm cho nông dân tại các địa phương.
Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tại Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh, tháng 9/2017, Sở Công Thương và Tập đoàn Central Group Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống BigC trên cả nước.
Trước đó, BigC Hạ Long đã ký kết tiêu thụ sản phẩm OCOP của 4 đơn vị sản xuất, qua đó, nâng tổng số sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại Siêu thị hiện nay là 10 sản phẩm như: Trứng gà Tân An, nước mắm Cái Rồng, hàu sữa Thái Bình Dương… Hiện, BigC đang hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục của 7 sản phẩm để đưa vào tiêu thụ tại siêu thị như: Giò chả Quang Dần, hàu sữa Quân Nguyên, miến dong Bình Liêu…
Bà Lê Thị Mai Linh, Đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết: Chúng tôi đánh giá cao các sản phẩm OCOP Quảng Ninh về chất lượng tốt, chủng loại, đặc trưng. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang thiếu các thủ tục pháp lý. Một số sản phẩm có chất lượng rất tốt như: Giò chả Quang Dần, bánh gật gù Tiên Yên… nhưng chưa quan tâm tới mẫu mã, bao bì, kiểu dáng. Trong chiến lược phát triển của mình, chúng tôi thực hiện “địa phương hóa” sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ các đơn vị sản xuất OCOP phát triển chiến lược sản phẩm, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiếp tục nâng cao chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo phân phối tại hệ thống BigC trong phạm vi cả nước.
Mới đây, tỉnh đã đề nghị Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita (Nhật Bản) hỗ trợ Quảng Ninh xây dựng một số sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương thông qua các chương trình hợp tác.
Trong đó, hỗ trợ từ phương pháp sản xuất, đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm một cách bài bản thông qua các hoạt động cụ thể như: Tổ chức các lớp đào tạo gắn liền với thực tiễn tại tỉnh Oita, hướng dẫn hình thành hệ thống cung cấp sản phẩm thế mạnh của Quảng Ninh, tổ chức các hoạt động giao lưu nhằm quảng bá sản phẩm giữa hai địa phương.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh, cho biết: Năm 2015, Công ty đã mời chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ đơn vị nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới là nem hàu bằng công nghệ hiện đại. Nhật Bản là một trong những nước có công nghệ sản xuất các sản phẩm từ hàu như: Tinh chất hàu tươi, bột hàu dinh dưỡng, hàu nguyên con đông lạnh… Từ kinh nghiệm của đơn vị cho thấy, việc hỗ trợ của Nhật Bản nói riêng và các tổ chức nói chung có vai trò quan trọng thúc đẩy các sản phẩm OCOP Quảng Ninh vươn tới xuất khẩu.