BVR&MT – Tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều sáng kiến về tín chỉ carbon và chi trả dựa trên kết quả đang được đưa ra trong ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức do thiếu kiến thức minh bạch và đầy đủ về khả năng hấp thụ carbon của các loại rừng và các phương pháp quản lý khác nhau.
Đây là đánh giá quan trọng được đưa ra tại Hội thảo “Giới thiệu kiến thức về carbon rừng” do Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng GIZ Việt Nam thuộc Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức ngày 4/6.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ đạt 42,02%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10,1 triệu ha và phần còn lại hơn 4,6 triệu ha là rừng trồng. Rừng là nơi hấp thụ và lưu trữ lượng lớn carbon, do đó ngành Lâm nghiệp có lượng phát thải ròng âm và tiềm năng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, thương mại tín chỉ carbon của rừng là rất lớn. Mặc dù vậy ngành lâm nghiệp nước ta vẫn chưa có cách tiếp cận rõ ràng để thực hiện và giám sát kết hoạch hấp thụ carbon. Hơn nữa, chủ rừng và các cơ quan có thẩm quyền chưa có đầy đủ thông tin về những sáng kiến này và tác động của chúng đối với các khu vực rừng hoặc quyền carbon của họ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO) cho biết: Tín chỉ carbon rừng là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương. Các dự án tín chỉ carbon rừng thường được triển khai ở các khu vực có nguy cơ mất rừng cao, nơi có nguy cơ chuyển đổi rừng thành đất canh tác, đô thị hóa hoặc khai thác gỗ trái phép. Các hoạt động trong dự án có thể bao gồm khôi phục rừng tự nhiên, trồng rừng mới, quản lý bền vững rừng hoặc hạn chế khai thác gỗ.
Để thực hiện chương trình thương mại carbon trong Lâm nghiệp tại Việt Nam, cần xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy thương mại carbon trong lâm nghiệp đối với thị trường carbon trong nước và quốc tế, đặc biệt giai đoạn đến 2027 trước khi có thị trường carbon trong nước. Cần xây dựng các tiêu chuẩn các bon cho các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ các bon, xây dựng năng lực về thiết lập dự án thương mại carbon và thực hiện MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính).
Liên quan đến phát triển thị trường carbon, ông Phạm Nam Hưng, Chuyên Viên Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ TN&MT thông tin: Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Trong đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Theo bà Nghiêm Phương Thúy (Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Tại Việt Nam, các dự án REDD+ hiện đang ở giai đoạn 3 là chi trả dựa trên kết quả, do có thể đo đếm, báo cáo và kiểm tra được. Đó cũng là nền tảng cho Thỏa thuận chi trả/mua bán giảm phát thải (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ với giá trị chuyển nhượng 51,5 triệu USD vừa qua. Dự kiến tiếp theo, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2022 – 2026, với giá tối thiểu là 10 USD/tấn CO2. Bên cạnh đó còn có Chương trình thí điểm chi trả kết quả thực hiện REDD+ của Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Với tiềm năng lớn về các-bon rừng, nhiều địa phương và khu vực tư nhân cũng đang nghiên cứu, đề xuất các dự án thí điểm khác trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Tựu chung lại, đẩy mạnh kinh doanh tín chỉ carbon rừng sẽ là một yếu tố thúc đẩy có ý nghĩa đối với việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu nói chung và quản lý rừng bền vững nói riêng. Lợi ích tài chính tiềm năng cần được tái đầu tư vào quản lý và bảo vệ rừng đồng thời xem xét chia sẻ lợi ích công bằng để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ đầy tham vọng của Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Hậu Thạch